Các loại thuốc kháng nấm hiệu quả và phổ biến nhất

Thứ tư, 13:24:04 12/09/2018
Bệnh do nấm gây ra rất thường gặp trong cộng đồng, ở nhiều lứa tuổi khác nhau, nhất là các loại nấm gây bệnh cho da, niêm mạc, lông, tóc…,thậm chí nấm nội tạng như như nấm phổi, nấm đường tiêu hoá… Nhiều chất kháng nấm đã được sử dụng nhưng khi dùng thuốc, người bệnh cần đặc biệt lưu ý một số vấn đề về việc tiêu diệt nấm đạt kết quả tốt nhất.

Các loại nấm gây bệnh cho người

Aspergillus: Đã gây bệnh cho 200.000 người trên toàn cầu, đặc biệt thường gây bệnh cho phổi.

Cryptococcus: Là loại nấm độc hại nhất đối với người, hàng năm làm tử vong khoảng 1 triệu người trên toàn cầu, đặc biệt gây bệnh cho não viêm màng não

Candida: Đây là loại gây bệnh cho người được xếp vào loại thứ hai. Chúng đã gây nên tử vong khoảng 400.000 trường hợp mỗi năm trên toàn thế giới, chủ yếu là gây bệnh nhiễm máu.

Rhizopus: Chủ yếu gây bệnh cho màng nhầy (mucomycose) cấp tính nhưng ít gặp hơn gây bệnh xoang, não và máu.

Tuy nhiên, hiện nay, do có nhiều phương pháp điều trị bệnh làm ảnh hưởng đến miễn dịch của cơ thể, nhất là lạm dụng các thuốc ức chế miễn dịch như corticoid hoặc hoá trị liệu chống ung thư hoặc dùng các thuốc chống đào thải mảnh ghép trong các trường hợp ghép tạng (thận, da…) làm cho nấm có cơ hội sinh sôi và dễ dàng xâm nhập vào các cơ quan bên trong cơ thể. Để điều trị nấm, các nhà khoa học đã nghiên cứu và sản xuất ra các chất chống nấm. Hiện nay, đã có 4 loại thuốc kháng nấm, các loại này được nghiên cứu dựa vào cơ chế tác động của thuốc lên tế bào vi nấm.

Các loại thuốc kháng nấm phổ biến

Loại thuốc ức chế sự hình thành màng: Như các azole (fluconazol, voriconazol, itraconazol…) có tác dụng ức chế phản ứng sinh hoá học tạo ergosterol cần thiết cho màng tế bào nấm, làm tổn thương màng và từ đó sẽ tiêu hủy tế bào nấm. Nên lưu ý rằng azole có tác dụng rất hữu hiệu đối với nấm Candida và loại aspergillus.

Loại có tác dụng đục thủng màng tế bào nấm: Đó là các polyen (có khoảng 200 thuốc thuộc nhóm này như amphotericin B, amphotericin B deoxycholat…). Thuốc hoạt động bằng cách kết hợp với ergosterol ở màng tế bào và tấn công nấm. Các loại này thường dùng để điều trị ban đầu với loại bệnh nấm do Crytococcus. Tuy vậy, các kháng nấm loại này có nhược điểm là giá thành còn cao, chưa phù hợp với đại đa số người dân. Hơn nữa, thuốc độc hại với thận, vì vậy, những người đã, đang mắc bệnh về thận, nhất là suy thận không được dùng loại thuốc này.

Loại ức chế tạo acid nhân ADN và ARN: Trong loại thuốc ức chế này, các chất đồng đẳng pyrimidin 5 fluorocytosin tiêu diệt nấm bằng cách ức chế sự tạo ADN và ARN. Loại thuốc kháng nấm này kết hợp với amphotericin B đã được sử dụng  điều trị viêm não do cryptococcus có kết quả tốt do cơ chế tác dụng của hỗn hợp 2 loại thuốc đã đi vào dịch não tủy tấn công vi nấm. Nhược điểm của loại thuốc 5 fluorocytosin là có độc tính cao với người sử dụng và vi nấm có khả năng kháng lại thuốc.

Loại phá vỡ màng tế bào nấm: Các echinocandin như caspofogin, micafungin… có khả năng ức chế tổng hợp của B (1-3) D glucan (chất cần thiết cho màng tế bào nấm), từ đó gây hủy hoại tế bào nấm. Loại thuốc kháng nấm này còn có hiệu quả tốt, nhưng giá thành cao, thường được lựa chọn khi đã dùng các loại chống nấm khác không hiệu quả hoặc hiệu quả kém.

Những lưu ý cần thiết khi dùng thuốc kháng nấm

Có 4 loại thuốc kháng nấm phổ biến được phân thành hai dạng sử dụng chính là theo đường toàn thân (thuốc uống, tiêm) và bôi ngoài da (kem, thuốc mỡ…). Khi dùng thuốc kháng nấm cần lưu ý:

Sử dụng theo đơn của bác sĩ: Những loại thuốc có tác dụng toàn thân như fluconazole, itraconazole ketoconazole miconazole… chỉ được mua dùng khi có sự kê đơn của bác sĩ dựa trên tình trạng bệnh cụ thể.

Đặc tính riêng có của từng dạng bào chế: Dạng kem và dạng thuốc nước bôi dùng ngoài thường có hiệu quả cao trong việc trị nấm ngoài da vì chúng tiếp xúc trực tiếp với vi nấm, ngay cả những con vi nấm khôn ngoan ẩn náu trong  những vết trầy, vết thương của da. Thuốc bột có đặc tính là hút ẩm, vì vậy thường được dùng ở những vùng ẩm ướt của cơ thể, chẳng hạn như vùng da giữa các ngón chân... Do vậy, hiểu được đặc tính riêng có của từng dạng bào chế sẽ giúp người bệnh lựa chọn tốt hơn đối với các thuốc kháng nấm không cần kê đơn.

Liều lượng thuốc: Liều lượng dùng thuốc tùy thuộc vào từng loại nấm gây bệnh và những biểu hiện bệnh do nấm gây ra. Liều lượng sẽ khác nhau ở những bệnh nhân khác nhau. Vì vậy, bệnh nhân cần đi khám và tuân thủ liều dùng theo bác sĩ chỉ định, không được bỏ ngang giữa chừng. Những loại thuốc như itraconazole và ketoconazole cần phải được uống khi bụng no. Đối với thuốc bôi ngoài da thì cần một lượng vừa đủ, có thuốc chỉ cần bôi một lớp mỏng để tránh tác dụng phụ.

Chú ý tác dụng phụ: Thuốc chống nấm (trừ loại bôi) hầu hết đều có nhiều tác dụng phụ, trong đó có loại gây hậu quả xấu cho thận được nhắc đến nhiều nhất là amphotericin B. Ngoài ra, thuốc kháng nấm còn có thể gây ra những rủi ro khác như rối loạn tiêu hóa (nôn, tiêu chảy…) nhức đầu hạ huyết áp giảm tiểu cầu rối loạn chức năng gan… Vì vậy, người nghi bị nấm cần được khám chuyên khoa da liễu để xác định có mắc bệnh nấm hay không, nếu có là loại nấm gì để có phác đồ điều trị thích hợp, bệnh chóng khỏi. Người bệnh không nên tự chẩn đoán bệnh, tự mua thuốc điều trị vì làm như vậy sẽ rất nguy hiểm.

Đào Thị Thu Hiền

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Chủ đề được quan tâm

Bí quyết sống khỏe Bí quyết sống khỏe Thứ năm, 14:36:42 09/07/2020
Món ngon giữ lửa yêu Món ngon giữ lửa yêu Thứ năm, 14:35:26 09/07/2020
Bệnh trẻ em Bệnh trẻ em Thứ năm, 14:33:46 09/07/2020
Bệnh phụ nữ Bệnh phụ nữ Thứ năm, 14:31:57 09/07/2020
Bài thuốc hay Bài thuốc hay Thứ năm, 14:30:47 09/07/2020

Video nổi bật

Sản phẩm mới