Nâng cao tính chuyên nghiệp y học: Một cách để giảm thiểu tai biến

Thứ năm, 15:00:06 26/07/2018
Chúng ta đã đau lòng chứng kiến cái chết của ba trẻ sơ sinh tại Hướng Hóa, Quảng Trị và gần đây là cái chết của 3 cháu khi phẫu thuật sứt môi hở hàm ếch tại Khánh Hòa. Phải khẳng định rằng không có thầy thuốc nào lại mong xảy ra những tai biến đó. Nhưng cũng cần rút thêm một kinh nghiệm về sự giải thích nguyên nhân tử vong của bệnh nhân trong trường hợp này. Nó không chỉ ít nhiều liên quan đến trình độ chuyên môn của thầy thuốc mà còn liên quan đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp của ngành y và tính chuyên nghiệp y học.

Sốc và sốc phản vệ

Sốc là một trạng thái suy tuần hoànhô hấp (những chức năng quan trọng vào bậc nhất của cơ thể) được biểu hiện bằng mạch yếu, nhanh và bắt mạch khó khăn (y học gọi là trụy mạch) huyết áp tối đa và tối thiểu đều giảm, thiếu ôxy nên thở nhanh hay thở gấp... Ban đầu người bệnh hốt hoảng, có thể giẫy giụa, nhưng cứ lịm dần. Sốc có thể hồi phục nếu phát hiện sớm để điều trị, nhưng cũng có thể dẫn đến tử vong Có nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng này: nhiễm trùng (gọi là sốc nhiễm trùng), nhiễm độc (gọi là sốc nhiễm độc), mất máu nhiều (gọi là sốc mất máu, ví dụ như chảy máu sau đẻ), chấn thương (gọi là sốc chấn thương, bao gồm cả việc điện giật, bỏng, tai nạn xe cộ làm gãy xương tổn thương các tạng...) và cũng có thể do nguyên nhân miễn dịch (gọi là sốc phản vệ). Như vậy sốc phản vệ chỉ là một trong những nguyên nhân gây ra sốc.

Sốc phản vệ là gì? Đó là tình trạng sốc xảy ra khi các thành phần bảo vệ đặc hiệu của cơ thể chống các chất lạ tương tác với các chất lạ này khi chúng xâm nhập vào cơ thể. Chúng ta đều biết rằng cơ thể có những cơ chế bảo vệ trước sự xâm lấn từ bên ngoài của các tác nhân lạ khác nhau. Đối với các tác nhân lạ có bản chất là protein (như các vi sinh vật, các chất protein lạ và một số chất không phải protein nhưng khi vào cơ thể có thể kết hợp với protein của cơ thể để hình thành một hợp chất có khả năng kích thích sinh miễn dịch), cơ thể sẽ sinh ra các thành phần đặc hiệu chống lại chúng. Đó là cơ chế miễn dịch của cơ thể. Đội quân bảo vệ của cơ thể bao gồm nhiều thành phần, nhưng trong đó thành phần thường được kể đến nhất là các tế bào lympho và kháng thể Như vậy, cơ chế bảo vệ của cơ thể cũng giống hệt như hoạt động của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trong một quốc gia; và các tác nhân xâm nhập vào cơ thể trong trường hợp này có thể xem như là “địch” hay “quân xâm lược”. Cơ chế bảo vệ (hay còn gọi là cơ chế miễn dịch) của cơ thể mạnh hay yếu có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có nguyên nhân di truyền. Về mặt di truyền, có cơ thể thuộc loại sinh ra đáp ứng mạnh, có cơ thể thuộc loại đáp ứng yếu. Người ta gọi đó là cơ địa miễn dịch.

Vậy tại sao sự tương tác giữa các thành phần bảo vệ cơ thể với các tác nhân lạ lại có thể dẫn đến sốc? Đã gọi là bảo vệ nhưng tại sao sự tương tác của các thành phần bảo vệ với tác nhân lạ (có thể ví như tương tác giữa “ta” và “địch”) lại dẫn đến tổn thương cho cơ thể? Có thể diễn giải điều này một cách đơn giản là vì sự tương tác ấy diễn ra ngay trong cơ thể và kết quả của sự tương tác này (cũng giống như sự tương tác giữa “ta” và “địch” trong bất kỳ một cuộc chiến tranh vệ quốc nào) thể hiện bằng hai khía cạnh. Khía cạnh tốt là tác nhân lạ bị loại bỏ ra khỏi cơ thể (giống như kẻ địch bị đuổi ra khỏi bờ cõi). Ngoài khía cạnh tốt có khía cạnh xấu, đó là cơ thể cũng có thể bị những tổn thương trong quá trình tương tác (giống như một số quân ta bị hy sinh, dân thường cũng bị chết, mùa màng bị thất bát, nhà cửa bị hư hỏng...). Những biểu hiện tổn thương xảy ra không mong muốn trong quá trình tương tác giữa “ta” và “địch” như vậy được gọi là quá mẫn hay dị ứng Trong trường hợp những tổn thương cho cơ thể quá lớn thì dẫn đến những biểu hiện sốc và người ta gọi sốc xảy ra trong trường hợp này là sốc phản vệ Cụm từ “phản vệ” theo nghĩa đen là “ngược lại với sự bảo vệ” (vì lẽ ra tương tác giữa các “đội quân bảo vệ” cơ thể với “địch” có mục đích bảo vệ cơ thể, nhưng kết quả thực tế lại dẫn đến làm tổn thương cơ thể, thậm chí gây sốc và tử vong).

Nói tóm lại, cần hiểu rằng sốc có nhiều nguyên nhân và sốc phản vệ là một loại sốc xảy ra trong quá trình tương tác giữa các thành phần bảo vệ cơ thể với tác nhân lạ.

Vậy trước mỗi trường hợp tai biến y khoa như tai biến khi tiêm vaccin, tai biến khi gây mê thì có nên vội vã kết luận đó là sốc phản vệ hay không?

Câu trả lời là không. Vì:

Một là: sốc trong các trường hợp này còn có thể do nguyên nhân khác như tác dụng độc của thuốc tiêm vào (nếu tiêm nhầm thuốc như trường hợp tiêm nhầm thuốc khác để lẫn với vaccin đã xảy ra ở Hướng Hóa, hoặc tiêm quá liều) hoặc do thao tác y khoa không chuẩn xác (tiêm nhầm vào mạch máu ). Nếu muốn kết luận nguyên nhân của sốc do phản vệ thì phải có những bằng chứng về miễn dịch học, mà những bằng chứng này phải được tìm hiểu rất công phu. Cho nên không nên vội vã kết luận đó là sốc phản vệ.

Hai là: nếu vội vã kết luận là sốc phản vệ thì người ta có thể cho rằng người giải thích chỉ nghĩ đến nguyên nhân gây ra tử vong phần lớn là “tại trời” (do di truyền mà cơ thể người bệnh đã có phản ứng đáp ứng mạnh mẽ với thuốc và sự tương tác giữa các thành phần của đáp ứng mạnh mẽ đó với thuốc đã gây ra tử vong) chứ không phải có sai lầm nào khác trong thao tác y khoa của thầy thuốc. Việc quy kết vội vã nguyên nhân “tại trời”, dù vô tình (do kém hiểu biết về chuyên môn) hay cố ý (muốn làm nhẹ khiếm khuyết của thầy thuốc để trấn an dư luận) đều làm cho người ta thấy giải thích như vậy có tính chất bênh vực và làm nhẹ khuyết điểm của thầy thuốc. Thậm chí đó có thể là cách ngụy biện sai lầm của thầy thuốc bằng một kiến thức chuyên sâu của y học mà không phải ai cũng hiểu hoặc hiểu mập mờ.

Hơn nữa, dù có ý đổ “tại trời” hoặc là vô tình hoặc cố ý thì khi giải thích cũng cần nhớ rằng trong thực hành y khoa thầy thuốc bao giờ cũng có trách nhiệm phát hiện cơ thể người bệnh có cơ địa dị ứng hay không để dự phòng những hiện tượng phản vệ có thể xảy ra. Điều này Bộ Y tế đã hướng dẫn tại Thông tư số 08/1999/TT-BYT ngày 4/5/1999. Trong nhiều thao tác phát hiện cơ địa dị ứng thao tác đơn giản nhất nhưng lại có giá trị cao là khai thác tiền sử bằng cách hỏi người bệnh hay người nhà xem người bệnh trước đó đã có những biểu hiện dị ứng hay chưa? Trong thực hành y khoa hiện nay, nhiều thầy thuốc đã bỏ qua những thao tác giản đơn nhưng rất cần thiết này. Đó là một ví dụ về việc cần thiết nâng cao tính chuyên nghiệp y học (medical professionalism) song song với giáo dục đạo đức nghề nghiệp y tế ở nước ta hiện nay.

Nghiêm Thị Trinh

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Chủ đề được quan tâm

Bí quyết sống khỏe Bí quyết sống khỏe Thứ năm, 14:36:38 09/07/2020
Món ngon giữ lửa yêu Món ngon giữ lửa yêu Thứ năm, 14:35:24 09/07/2020
Bệnh trẻ em Bệnh trẻ em Thứ năm, 14:33:38 09/07/2020
Bệnh phụ nữ Bệnh phụ nữ Thứ năm, 14:31:58 09/07/2020
Bài thuốc hay Bài thuốc hay Thứ năm, 14:30:45 09/07/2020

Video nổi bật

Sản phẩm mới