Hội chứng “tự lên men - bệnh lý có biểu hiện say xỉn không phải do uống rượu

Thứ bảy, 14:41:58 01/12/2018
Trạng thái say xỉn, thiếu tỉnh táo và ức chế hoạt động hệ thần kinh thường thấy ở những người sau khi uống rượu say. Tuy nhiên, một hội chứng bệnh lý lạ mà khoa học vừa phát hiện mới đây có tên gọi hội chứng “auto - brewery” (tự lên men) cũng có thể gây nên tình trạng say xỉn mất kiểm soát.

Hội chứng “tự lên men”

Hội chứng “auto brewery” hay còn gọi tự lên men được phát hiện lần đầu tiên khi các bác sĩ tiến hành kiểm tra tình trạng sức khỏe ở một bệnh nhân nữ có các biểu hiện giống như người say rượu mặc dù họ không hề uống một giọt rượu bia nào trước đó. Bệnh nhân này suýt bị phạt và bị cảnh sát giam giữ khi phát hiện nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép. Tuy nhiên, sau kết luận của các bác sĩ và luật sư bào chữa, cô đã được thả tự do và miễn qui trách nhiệm hình sự do nguyên nhân xuất phát từ tình trạng bệnh lý lạ.

Nghiên cứu về tình trạng của bệnh nhân, các bác sĩ  tại Viện Y - Trường đại học Vanderbilt Nashville, bang Tennessee (Mỹ) cho biết, thông thường hệ tiêu hóa chỉ thực hiện chức năng tiêu hóa thức ăn và chuyển hóa thành các chất dinh dưỡng hấp thụ qua thành ruột, song bệnh lý lạ mang tên auto brewery khiến cho đường ruột của bệnh nhân có thêm chức năng tự lên men và chuyển hóa thức ăn thành ethanol. Chính vì có thêm quá trình lên men này, đã làm tăng nồng độ cồn trong máu của người bệnh vượt mức cho phép. Kết quả là người bệnh có các biểu hiện giống y hệt các biểu hiện của người uống rượu say, từ nồng độ cồn trong máu cho đến nồng độ cồn trong hơi thở và tình trạng mất kiểm soát ý thức do say xỉn...

Ði tìm nguyên nhân

TS. Richard Peek - giáo sư chuyên ngành y dược và sinh học ung thư tại Viện Nghiên cứu Trường đại học Vanderbilt cho biết: Nguyên nhân của tình trạng bệnh lý này hiện vẫn đang được giới khoa học nghiên cứu làm rõ, song theo phát hiện ban đầu của các nhà khoa học là do trong đường ruột người bệnh có sự sản sinh các yếu tố dạng như nấm có tên gọi candida, nên khi ăn nhiều thức ăn có chứa lượng lớn chất carbonhydrate, chúng chuyển hóa carbonhydrate này thành chất ethanol.

Ngoài ra, các nghiên cứu của TS. Peek còn cho thấy sự biến đổi của các vi khuẩn đường ruột có tên gọi microbiome (microbiota được tìm thấy ở những bệnh nhân mắc hội chứng auto brewery) cũng là nguyên nhân kích thích xảy ra quá trình tự lên men rượu từ thức ăn trong đường ruột. Theo nhiều nghiên cứu khoa học trước đây, sự thay đổi chức năng của các vi khuẩn đường ruột microbiome, có liên quan mật thiết đến sự gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về chuyển hóa bệnh đái tháo đường và chứng bệnh gan nhiễm mỡ

Từ những kết quả nghiên cứu khoa học về hội chứng auto brewery, các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu vanderbilt Nashville, bang Tennessee (Mỹ) cũng đã nỗ lực tìm ra cách nhằm hạn chế các triệu chứng và ảnh hưởng xấu của hội chứng tự lên men - auto brewery đối với người bệnh. Theo đó, để hạn chế tình trạng chuyển hóa thức ăn thành rượu, cách duy nhất là hạn chế lượng thực phẩm giàu carbonhydrate, để làm giảm các triệu chứng do chuyển hóa gây ra. Tuy nhiên, về lâu dài, các nhà khoa học đang tính đến phương pháp trị liệu cho bệnh nhân mắc hội chứng auto brewery thông qua phương pháp antifungal (kháng nấm) nhằm làm giảm hoạt động của các yếu tố như nấm candida và khuẩn microbiota. Tuy nhiên, việc thay đổi nhằm vào các microbiome cũng có mặt trái, đó là có thể dẫn tới rối loạn quá trình chuyển hóa chất gây tình trạng kháng khuẩn và những bệnh lý khó lường khác.

Từ nghiên cứu về hội chứng auto brewery và các bệnh liên quan đến rối loạn trao đổi chất trong cơ thể nói chung, nhóm nghiên cứu của TS. Peek cũng đưa ra lời khuyên rằng một chế độ ăn uống điều độ, thường xuyên tập luyện thể chất và bổ sung hợp lý lượng khuẩn probiotics sẽ giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh và phòng ngừa nguy cơ mắc các bệnh lý phức tạp liên quan đến chuyển hóa chất.

 

Nguyễn Tuyết Anh

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Chủ đề được quan tâm

Bí quyết sống khỏe Bí quyết sống khỏe Thứ năm, 14:36:42 09/07/2020
Món ngon giữ lửa yêu Món ngon giữ lửa yêu Thứ năm, 14:35:24 09/07/2020
Bệnh trẻ em Bệnh trẻ em Thứ năm, 14:33:46 09/07/2020
Bệnh phụ nữ Bệnh phụ nữ Thứ năm, 14:31:54 09/07/2020
Bài thuốc hay Bài thuốc hay Thứ năm, 14:30:49 09/07/2020

Video nổi bật

Sản phẩm mới