Vì sao tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ngày càng gia tăng?

Chủ nhật, 15:04:11 04/11/2018
Thời gian gần đây, dư luận rất bức xúc về các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em diễn ra liên tục. Vì sao, tình trạng xâm hại tình dục trẻ ngày càng nhiều?

Làm thế nào để phát hiện trẻ bị xâm hại tình dục Làm thế nào để bảo vệ được con em mình không bị xâm hại tình dục? 

Kẻ đồi bại thường là người quen

Xác nhận về một thực trạng xâm hại tình dục ngày càng nhiều, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Bảo vệ Bà mẹ trẻ em TP.HCM cho biết: Những năm gần đây, tình trạng xâm hại trẻ em rất nhiều. Mới đây, chúng tôi vừa đưa ra xét xử vụ án hiếp dâm đau lòng ở quận Thủ Đức. Mặc dù kẻ hiếp dâm bị xử án chung thân nhưng hậu quả vô cùng đau lòng vì bé bị xâm hại đến thủng cả trực tràng

Cách đây 3 năm, vào ngày giỗ Tổ, tại quận 12, một anh làm đậu hũ liên tiếp dụ dỗ trẻ rồi đưa đi hiếp dâm bé 3 tuổi, rồi ngày hôm sau tiếp tục gây án với trẻ 6 tuổi. Tuy nhiên, vụ án xét xử 3 năm không xong chỉ vì sai tố tụng. Rồi vụ án ở quận Bình Tân, mẹ dắt bồ về nhà sống chung, con bị bồ xâm hại, mẹ lại tin bồ mà không tin lời con tố cáo. Nhờ bà nội ghi âm được câu dọa của kẻ xâm hại cháu mà mới có chứng cứ đưa ra tòa án xét xử.

Không chỉ các vụ xâm hại tình dục bé gái mà tình trạng lạm dụng trẻ nam cũng rất nhiều. Những ngày này, Chi hội Luật sư Bảo vệ Bà mẹ trẻ em TP.HCM  liên tục nhận đơn tố cáo rất nhiều và hiện tồn 20 vụ chưa đủ chứng cứ để đưa sang tòa án.

Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai chia sẻ, 93% vụ xâm hại tình dục đến văn phòng xin tư vấn là nạn nhân của người quen. Thân quen mới có cơ hội xâm hại tình dục.

Bà Mai kể thêm, trong tọa đàm về vấn nạn xâm hại tình dục, trước thông tin trẻ nông thôn bị xâm hại tình dục nhiều hơn thành phố, con em gia đình lao động nghèo bị xâm hại tình dục nhiều hơn, một doanh nhân đã uất ức phản đối.

Chị cho biết, chị sinh ra trong gia đình tử tế, chồng chị cũng vậy và họ có cuộc sống kinh tế khá giả so với mọi người. Nhưng con gái 4 tuổi của chị lại là nạn nhân của tệ nạn xâm hại tình dục, mà kẻ gây ra chuyện là cậu con trai người bạn; gia đình người bạn cũng là những người tử tế, khá giả. Do vậy, xâm hại tình dục có thể xảy ra với bất cứ tầng lớp nào. Xâm hại tình dục xảy ra ở nông thôn và cả thành phố. Diễn ra trong tầng lớp lao động và cả ở các gia đình có đời sống kinh tế cao.

Nguyên nhân?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm hại tình dục ngày càng phát triển. Theo bà Lý Thị Mai, trẻ dễ bị xâm hại tình dục do sai lầm của các phụ huynh thường có thói quen nựng nịu vào những chỗ kín của con như một cách thể hiện yêu thương. Hành động này khiến trẻ cho rằng hành vi đụng chạm đó là bình thường nên mất cảnh giác khi bị người lạ sờ mó.

Tuy nhiên, ý kiến của bà mẹ có con bị con trai bạn mình xâm hại rất đáng suy nghĩ, đó là: bạn quên dạy con trai mình không được xâm hại bé gái. Các gia đình có con trai ngày nay, ngoài việc bảo vệ con mình không bị xâm hại tình dục, còn cần chú ý giáo dục để con mình không thành kẻ đi xâm hại tình dục.

Thực tế các ca đến xin tư vấn cho thấy, các vụ bị xâm hại không chỉ xảy ra với người quen, họ hàng mà nhiều ca bị xâm hại tình dục ngay từ anh em ruột hoặc cha ruột. Những trường hợp này thì liệu có nói ra hay không? Chính vì vậy mà chuyện bị xâm hại không bị phát hiện và nạn nhân bị chấn thương tâm lý ngày càng nặng.

Nhà giáo Đỗ Đức Anh, Huy chương Bạc cuộc thi nghiệp vụ sư phạm toàn quốc 2010 chia sẻ, mới đây Bộ Giáo dục - Đào tạo mới chỉ có lộ trình đổi mới làm sao đưa giáo dục giới tính và tình dục cho học sinh. Giáo dục giới tính tại nhà trường chỉ mới dừng ở nói chuyện, chưa có những bài học mang tính khoa học, chưa đề cập cho học sinh biết, khi nào thì nói không, đụng chạm mức nào thì người lạ được quyền.

Tại thành phố các buổi mời chuyên gia đến trường nói chuyện còn dễ nhưng nông thôn thì chưa có. Nhưng ngay cả giáo viên môn giới tính của trường cũng chưa được đào tạo chuyên sâu để có thể giảng cho các em một cách rõ ràng. Và học sinh cũng không gần gũi, không cởi mở chia sẻ với những giáo viên này.

Hướng dẫn cách phát hiện trẻ bị xâm hại tình dục bà Lý Thị Mai cho biết, trẻ bị xâm hại thường tránh né, không muốn gặp người khác, không muốn ăn. Trẻ nhỏ thì hay giật mình la hét, không làm chủ hành vi của mình, có những hành vi hung tợn khi bất chợt ai đụng vào, đặc biệt những người giống người đã xâm hại. Trẻ lớn hơn thì không quan tâm đến người khác và điển hình là hay rúc mình vào góc nào đó, học hành sa sút.

BS tâm lý Hoàng Vũ Quỳnh Trang, Nhi khoa phát triển hành vi, khoa Tâm lý- BV Nhi Đồng 1 chia sẻ: Khi làm thực hành lâm sàng, chúng tôi nhận thấy trẻ có những hành vi gây nên nguy cơ xâm hại, như tắm không mặc quần áo vẫn chạy ra ngoài. Cha mẹ cũng không cung cấp cho trẻ biết độ tuổi phù hợp để mặc đồ lót (khuyến khích từ 3-6 tuổi). Khuyến khích có bữa cơm gia đình để tìm cách nói chuyện thường xuyên với con.

Từ 6-12 tuổi là thời điểm rất dễ dàng để bắt chuyện với con (tiền dậy thì). Đến tuổi vị thành niên thì phải trò chuyện với trẻ một cách cởi mở. Con trai thì cha nói chuyện gần gũi hơn, con gái thì mẹ nói chuyện thực tế hơn. Ngoài ra trong khi trò chuyện phải có sách báo dẫn chứng.

"Trang bị cho con cách tự bảo vệ mình là quan trọng nhất, từ kiến thức kỹ năng cho trẻ biết nguy hại đến từ đâu đến làm gì khi bị vũ lực. Cha mẹ hãy trực tiếp tự mình chăm sóc tắm rửa cho con để hướng dẫn con cách chăm sóc đúng bản thân, cũng như phát hiện sớm những bất thường đến cơ thể của con nếu bị xâm hại", chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai.

Hoàng Thu Thảo

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Chủ đề được quan tâm

Bí quyết sống khỏe Bí quyết sống khỏe Thứ năm, 14:36:41 09/07/2020
Món ngon giữ lửa yêu Món ngon giữ lửa yêu Thứ năm, 14:35:27 09/07/2020
Bệnh trẻ em Bệnh trẻ em Thứ năm, 14:33:41 09/07/2020
Bệnh phụ nữ Bệnh phụ nữ Thứ năm, 14:31:54 09/07/2020
Bài thuốc hay Bài thuốc hay Thứ năm, 14:30:46 09/07/2020

Video nổi bật

Sản phẩm mới