Ấn họa nguy hiểm từ bếp cồn mà không phải ai cũng biết

Thứ sáu, 14:51:07 16/11/2018
Cồn khô, cồn lỏng được các nhà hàng và hộ gia đình sử dụng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, gần đây, có nhiều trường hợp bị phỏng đáng tiếc do sử dụng loại cồn này để đun bếp.

Khoa phỏng - Tạo hình bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM từng tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân phỏng do cồn gây ra; trong đó có một vụ phỏng cồn tại nhà, làm một người phỏng nặng độ 3 với hơn 70% diện tích cơ thể, và ba người phỏng nhẹ. Nguyên nhân là trong bữa ăn gia đình dùng bếp cồn nấu lẩu. Khi bếp hết lửa, một người lấy bình cồn nước châm thêm vào, bình cồn vừa chạm bếp thì ngọn lửa bốc lên. Cồn cháy văng tung toé vào những người ngồi xung quanh, gây phỏng với những mức độ khác nhau.

Các chuyên gia cảnh báo, ngoài nguy cơ cháy bỏng do bất cẩn, nếu cồn có thành phần metanol, người dùng còn đối diện với nguy cơ ngộ độc và hại mắt.

Nhiều tai nạn đáng tiếc với bếp cồn

Trên thị trường hiện có bán nhiều loại cồn đun bếp, từ cồn khô, cồn thạch, cồn gel hay còn gọi là cồn mật. Giá cả cũng chỉ 3.000 - 4.000 đồng/cốc cồn thạch hoặc khoảng 6.000 - 8.000 đồng/gói cồn khô. Cồn mật có giá chỉ 10.000 - 12.000 đồng/lít. Đối với các loại cồn nói trên tuy việc sử dụng tiện lợi và sạch sẽ, nhưng cần hết sức cẩn trọng, nhất là đối với cồn lỏng. Vì khi bếp đang cháy nếu tiếp thêm cồn lỏng sẽ rất dễ bắn ra ngoài, bắt lửa vào can, hoặc tay người rót, sẽ bốc cháy nhanh, dễ gây phỏng nặng.

Một trường hợp bỏng do bếp cồn được điều trị tại BV Chợ Rẫy

Một trường hợp bỏng do bếp cồn được điều trị tại BV Chợ Rẫy

Khoa cũng từng tiếp nhận trường hợp phỏng của hai vợ chồng ở quận 9 TP.HCM. Cùng bạn bè đi ăn lẩu ở quán, trong lúc người phục vụ đổ thêm cồn lỏng vào bếp, lửa bất ngờ phụt lên khiến người chồng phỏng 14%, còn người vợ phỏng 8% diện tích cơ thể.

Hi hữu hơn là trường hợp một đoàn khách du lịch ghé ăn ở quán, khi bếp nấu lẩu gần hết cồn, nhân viên mang bình cồn nước ra châm thì lửa bùng lên khiến nhân viên hốt hoảng ném bình cồn trúng một thực khách gây bỏng nặng ở mặt, bụng, tay, mi mắt,...

Theo các bác sĩ chuyên khoa Phỏng tại các BV ở TP.HCM, tai nạn từ bếp cồn không phải hiếm. Một trường hợp tương tự cũng đã khiến 6 người ở Đồng Tháp phải nhập viện. Ngày cuối tuần, gia đình dùng bếp cồn để nấu lẩu. Khi thấy bếp hết lửa, một người lấy bình cồn nước châm thêm vào, vừa chạm vào bếp thì ngọn lửa bỗng bốc lên, cồn cháy văng tung tóe tạt vào lũ trẻ đang ngồi chờ ăn. Nặng nhất là một bé 7 tuổi, bị cháy đến 95% cơ thể, được điều trị tại Khoa Phỏng – Chỉnh hình BV Nhi Đồng 1 TP.HCM.

Cồn có chứa chất độc hại?

BS Trần Đoàn Đạo, Trưởng khoa Phỏng – Tạo hình BV Chợ Rẫy TP.HCM cảnh báo người dân khi dùng bếp cồn nấu đồ ăn trong sinh hoạt hàng ngày cần đặc biệt chú ý, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Theo BS Đạo, phỏng cồn thường khiến vết bỏng sâu, dễ gây biến chứng. Cồn nước tuy không có khả năng gây nổ nhưng rất dễ cháy lan. Chính vì thế khi châm thêm cồn vào bếp, người châm phải tắt hết lửa còn cháy trong bếp. Việc mồi lửa lại cũng phải hết sức cẩn trọng. Mặc dù nạn nhân bị bỏng cồn thường không để lại di chứng nặng nề như axit nhưng người dân cũng cần hết sức thận trọng.

Theo các chuyên gia, cách gọi cồn khô, cồn thạch, cồn gel hay cồn mật chỉ là dựa vào đặc tính hình thức của những sản phẩm này. Cồn khô được đóng thành bánh dạng rắn, có màu trắng. Cồn thạch có dạng mềm và trong như thạch. Cồn mật hay cồn gel ở dạng lỏng hơn, khi rót ra sánh đặc như mật. Thực chất các loại cồn này đều được làm từ thành phần dầu mỡ qua quá trình thủy phân, xà phòng hóa và trộn thêm phần trăm cồn. Tỷ lệ các hydrocarbon mạch thấp càng nhiều thì cồn càng khó đông và thường ở dạng lỏng, còn đông hơn thì có thể ở dạng mềm, dễ tan vỡ như thạch.

Cồn khô, cồn thạch tự nhiên (chiết xuất từ ethanol) thì an toàn với người dùng. Tuy nhiên, hiện các cơ sở đã sản xuất chạy theo lợi nhuận nên pha trộn nhiều hóa chất Chất họ đưa vào cồn khô và cồn thạch có pha lẫn methanol do giá thành của methanol rẻ hơn ethanol. Theo các chuyên gia, đây là hóa chất độc hại, nhiệt độ cháy thấp, cháy không có muội. Hơi của chất metanol rất độc, có thể hấp thụ qua đường hô hấp gây cay, rát mắt, thậm chí gây ảnh hưởng thần kinh hoặc làm kém thị lực. Trong khi đó, bằng cảm quan người tiêu dùng không thể phân biệt cồn có chứa hóa chất metanol với cồn tự nhiên.

Hiện nay, các loại cồn bày bán trên thị trường hầu hết đều không được kiểm nghiệm và sản xuất thương mại. Điều này có thể có những hệ lụy khó tránh khỏi như khí thải độc ảnh hưởng sức khoẻ Vì thế, bản thân người dùng cũng nên cẩn trọng. Khi dùng thấy các dấu hiệu như khói, cay mắt hoặc cảm giác khó chịu cần tránh xa bếp cồn để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Hoàng Thu Thảo

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Chủ đề được quan tâm

Bí quyết sống khỏe Bí quyết sống khỏe Thứ năm, 14:36:42 09/07/2020
Món ngon giữ lửa yêu Món ngon giữ lửa yêu Thứ năm, 14:35:22 09/07/2020
Bệnh trẻ em Bệnh trẻ em Thứ năm, 14:33:41 09/07/2020
Bệnh phụ nữ Bệnh phụ nữ Thứ năm, 14:31:55 09/07/2020
Bài thuốc hay Bài thuốc hay Thứ năm, 14:30:45 09/07/2020

Video nổi bật

Sản phẩm mới