Mách mẹ cách hay để trẻ trở thành 'dũng sĩ' tiêm phòng

Thứ bảy, 15:55:01 11/08/2018
Khi tiêm phòng ở trường, tâm lý sợ tiêm của một vài em nhỏ rất dễ trở thành phản ứng dây chuyền lây sang nhiều bạn khác.

Tiêm dù không quá đau nhưng cũng khiến nhiều trẻ cảm thấy sợ hãi. Đặc biệt có những học sinh còn 'sợ phát ngất' sau khi tiêm. Trẻ em là đối tượng phải tiêm phòng rất nhiều bệnh. Làm thế nào để bố mẹ có thể giúp trẻ cảm thấy nhẹ nhàng hơn trước mỗi mũi tiêm? Việc này không quá khó, chỉ cần một số mẹo nhỏ cũng giúp trẻ 'đánh bay' cảm giác sợ hãi.

Chơi trò bác sĩ

Trẻ nhỏ luôn thích thú với các trò chơi nhập vai. Bố mẹ có thể mua một bộ đồ chơi bác sĩ và cùng chơi với trẻ. Hãy cho trẻ biết bác sĩ là người mặc áo blouse trắng, rất hiền từ và tốt bụng, bác sĩ sẽ tiêm cho trẻ nhỏ để đuổi vi-rút xấu, để trẻ không mắc bệnh mới có thể đi chơi. Nếu trẻ có thiện cảm với bác sĩ và biết rằng tiêm là một việc làm tốt, chắc chắn trẻ sẽ không quá sợ kim tiêm. Cũng nên nói cho trẻ biết rằng tiêm hơi đau một chút nhưng nó sẽ giúp trẻ khỏe mạnh để trẻ luôn sẵn sàng tâm lý.

Cho phép trẻ sợ hãi

Việc trẻ cảm thấy sợ hãi khi tiêm cũng một phần do cách thể hiện thái độ của bố mẹ, ông bà. Lo lắng trẻ bị đau nên người lớn hay xót xa dỗ giành. Điều đó khiến trẻ cảm thấy tiêm là một việc gì đó nghiêm trọng hoặc rất đau nên cũng lo sợ và hay khóc, thậm chí còn ngất.

Hoặc người lớn quá nghiêm túc, luôn nói với trẻ 'làm gì đau', 'đừng khóc', 'đừng sợ' khiến trẻ cảm thấy áp lực căng thẳng Hãy cứ cho phép trẻ được sợ, được khóc, nhưng bố mẹ nên nói với con rằng tiêm chỉ đau một chút và sẽ nhanh hết thôi. Sự quan tâm, thấu hiểu tâm lý và khích lệ của bố mẹ sẽ giúp trẻ dũng cảm hơn.

Sử dụng đường

Một chút đường sẽ có tác dụng khá hiệu quả khi cho trẻ đi tiêm. Một nghiên cứu cho thấy, trẻ dùng một lượng đường nhỏ sẽ ít khóc, ít sợ hơn. Vì thế, hãy cho trẻ uống một cốc nước đường, trà đường hoặc kẹo ngọt để vững tâm lý trước khi tiêm.

Nên cho trẻ ăn no trước 30 phút để tránh sợ hãi làm hạ đường huyết

Đánh lạc hướng

Làm trẻ phân tâm trong lúc tiêm cũng là một cách tốt. Bố mẹ hoặc bác sĩ có thể kể chuyện cười hoặc hỏi trẻ những câu làm phân tâm sự chú ý của trẻ. Vì tiêm chỉ diễn ra trong một vài giây nên điều đó cũng không quá khó. Hoặc phòng tiêm có thể bật phim hoạt hình hoặc dán tranh ảnh mà trẻ con yêu thích.

Khi đi tiêm có thể cho trẻ mang theo đồ chơi yêu thích như người bạn đồng hành để trẻ cảm thấy yên tâm hơn.

Khen trẻ

Sau khi tiêm, bố mẹ nên khen trẻ dù trẻ khóc, sợ hãi hay không. Hãy nói rằng lần này trẻ đã làm tốt hơn lần trước để trẻ thấy vui và có động lực lần sau sẽ đỡ sợ hơn. Bố mẹ có thể thưởng cho trẻ chuyến đi chơi sau ngày tiêm và nói với trẻ rằng, sau khi tiêm phòng sẽ có sức khỏe để đi chơi. Như vậy, trẻ sẽ thấy tác dụng của đi tiêm và không thấy sợ hãi.

Cách ly

Tâm lý sợ hãi khi tiêm có thể lan truyền từ một trẻ đến nhiều trẻ khác. Vì thế, nếu thấy trẻ nào có dấu hiệu sợ hãi thì tốt nhất cho trẻ đó sang phòng khác để không ảnh hưởng tâm lý tới các bạn. Sau đó sẽ tiến hành trấn an tâm lý và theo dõi riêng trẻ đó.

Trần Thị Nhung

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Chủ đề được quan tâm

Bí quyết sống khỏe Bí quyết sống khỏe Thứ năm, 14:36:40 09/07/2020
Món ngon giữ lửa yêu Món ngon giữ lửa yêu Thứ năm, 14:35:19 09/07/2020
Bệnh trẻ em Bệnh trẻ em Thứ năm, 14:33:44 09/07/2020
Bệnh phụ nữ Bệnh phụ nữ Thứ năm, 14:31:58 09/07/2020
Bài thuốc hay Bài thuốc hay Thứ năm, 14:30:47 09/07/2020

Video nổi bật

Sản phẩm mới