Chủ động ứng phó với thực phẩm bị ô nhiễm phóng xạ

Thứ Ba, 14:43:03 17/07/2018
Sự cố tại nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản khiến cho mối lo lắng về thực phẩm nhiễm phóng xạ lan tràn khắp các nước trên thế giới. Các nhà lãnh đạo, các cơ quan chức năng nước ta đang đứng trước hàng ngàn câu hỏi làm thế nào để giảm lượng phóng xạ trong thực phẩm, phải làm những gì để loại trừ thực phẩm phóng xạ, thực phẩm nhiễm xạ có lọt vào nước ta hay không?… Phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế).

PV: Xin ông cho biết, tác hại của phóng xã và sự cố rò rỉ phóng xạ từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-i-chi có những nguy hiểm gì đối với sức khỏe con người?

GS.TS. Nguyễn Công Khẩn: Trước hết chúng ta cần biết hạt nhân phóng xạ là gì và ảnh hưởng của chúng tới sức khỏe của con người như thế nào.

Nhân phóng xạ là những nhân không bền có khả năng phân rã theo thời gian. Trong quá trình phân rã chúng phát ra các tia bức xạ ion hóa: Alpha, bêta, gamma. Các tia bức xạ ion hóa gây ra liều chiếu xạ cho con người bằng hai con đường: chiếu xạ ngoài và chiếu xạ trong.

Tác động sinh học của tia phóng xạ trên cơ thể con người: Các tác động có hại của các tia phóng xạ phụ thuộc vào một loạt các yếu tố: Liều lượng hấp thụ và thời gian hấp thụ liều lượng đó trong cơ thể con người.

Tác hại của nó có thể không đáng kể, không có biểu hiện lâm sàng cho đến tử vong Một lần bị liều mạnh, cũng như nhiều lần bị hấp thụ liều nhỏ cũng làm tăng khả năng nguy cơ bị các hậu quả về sau như bị ung thư và sai lệch di truyền.

Độ nhạy cảm đối với tia phóng xạ của các cơ quan và tế bào cơ thể người không giống nhau:

- Nhạy cảm hơn cả với tia phóng xạ là các tế bào tạo máu, tế bào đầu dòng, tế bào lympho, tuyến ruột, các tuyến sinh dục, lông mao da và thủy tinh thể mắt.

- Nhạy cảm kém hơn với tia phóng xạ là các tế bào sụn và mô xơ nhu mô của các cơ quan nội tạng tế bào cơ và tế bào thần kinh

Độ nhạy cảm với liều lượng của phóng xạ cũng rất khác nhau: ví dụ, tế bào liên kết non bị mất hoàn toàn khả năng phục hồi khi bị hấp thụ liều lượng phóng xạ là 40 Gr , trong khi đó đối với tế bào tạo máu ở tủy xương sẽ hoàn toàn bị chết khi hấp thụ liều chiếu xạ 6 Gr. Khi bị liều bức xạ cao cơ thể có phản ứng khác nhau:

- Ở liều nhỏ hơn 5 rad: Không quan sát thấy các tác hại tức thì;

- Từ 5 rad đến 50 rad: Các chỉ số huyết học thay đổi nhẹ;

- Từ 50 rad đến 150 rad: Các thay đổi chỉ số huyết học rõ nét hơn và quan sát thấy triệu chứng buồn nôn mệt mỏi nôn...

- Từ 150 rad đến 1.100 rad: Các chỉ số máu thay đổi nghiêm trọng, các triệu chứng xuất hiện ngay lập tức. Khoảng 2 tuần sau đó, một số những tiếp xúc có thể chết. Ở liều chiếu xạ từ 300-500 rad: sẽ có một nửa số người tiếp xúc chết trong vòng 60 ngày nếu không có sự can thiệp chuyên sâu của y tế.

- Từ 1.100 rad đến 2.000 rad: Xác suất tử vong tăng đến 100% trong vòng 1-2 tuần.

- Ở liều > 2.000 rad: bệnh nhân chắc chắn tử vong.

Các tác hại từ việc tiếp xúc với liều bức xạ thấp (3 loại):

- Ảnh hưởng đến di truyền: Hậu quả của việc tiếp xúc với bức xạ ở liều thấp là các tế bào sinh sản (trứng, tinh trùng) bị đột biến và kết quả biểu hiện ở đời con, cháu của những người bị phơi nhiễm bức xạ.

- Ảnh hưởng trên cá thể: Hậu quả chủ yếu biểu hiện ở những người bị phơi nhiễm bức xạ. Chủ yếu là bị ung thư do vậy thường được gọi là hiệu ứng gây ung thư (phổi, xương tuyến giáp tuyến vú, da, bệnh máu trắng).

- Tác hại lên bào thai: bào thai bị phơi nhiễm phóng xạ và phát triển không bình thường.

PV: Thực phẩm có thể bị ô nhiễm phóng xạ như thế nào, thưa ông?

GS.TS. Nguyễn Công Khẩn: Thực phẩm bị ô nhiễm phóng xạ do rơi lắng các nhân phóng xạ trong các sự cố hạt nhân thường gọi là nhiễm xạ hay ô nhiễm thực phẩm do phóng xạ.

Thực phẩm bị ô nhiễm phóng xạ do quá trình hấp thu các chất phóng xạ bị nhiễm bẩn từ môi trường đất, nước.

Thực phẩm được xem là bị nhiễm chất phóng xạ khi nồng độ hoạt tính của các nhân phóng xạ có trong chúng lớn hơn giới hạn cho phép. Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) đã có quy định giới hạn tối đa nồng độ của một số nhân phóng xạ được phép có trong thực phẩm.

Có 2 loại ô nhiễm phóng xạ thực phẩm: ô nhiễm bề mặt và ô nhiễm tổ chức ngấm sâu vào cấu trúc thực phẩm.

Ô nhiễm bề mặt: khi các chất phóng xạ theo không khí lắng đọng vào bề mặt thực phẩm, một phần thâm nhập vào bên trong tế bào thực vật.

Ô nhiễm bên trong thực phẩm: phụ thuộc vào tính chất lý hóa của các chất phóng xạ, thành phần của đất, và tính chất sinh lý của thực vật. Các chất phóng xạ lắng vào bề mặt đất, sau nhiều năm nó từ bề mặt của đất ngấm sâu vào các lớp đất. Từ đất, các chất phóng xạ sẽ tích tụ vào các thực vật có bộ rễ phát triển, ăn sâu.

Từ các thực vật, đáng quan tâm nhất là các thực vật được sử dụng làm thức ăn cho người và gia súc.

Tùy theo loại thực phẩm theo mức độ tích tụ các chất phóng xạ thực vật được xếp lần lượt từ mức độ tích tụ nhiều đến thấp hơn, ví dụ: củ cải > khoai tây (các loại củ) > lúa mì (phần hạt) >  các loại cây cỏ (phần lá và thân).

Thâm nhập nhanh nhất từ đất vào thực vật là Sr-90; Sr-89, I-131, Ba-140, Cs-137.

PV: Cục An toàn vệ sinh thực phẩm có khuyến cáo gì cho người tiêu dùng nếu tiêu thụ phải thực phẩm có nguy cơ nhiễm các chất phóng xạ, thưa ông?

GS.TS. Nguyễn Công Khẩn: Các chất phóng xạ thâm nhập vào người qua đường ăn uống bằng những cách thức khác nhau: thực vật - con người;  thực vật - động vật - sữa - con người; thực vật - động vật - thịt - con người; không khí - mưa tuyết, bụi - ao, hồ, sông nước - thủy sản - con người; nước - con người; nước - thủy sinh - cá - con người.

Có một số cách để giảm lượng chất phóng xạ trong thực phẩm:

Sơ chế thực phẩm: Rửa kỹ thực phẩm (rồi loại bỏ những lớp ngoài ví dụ những lá bẩn, lớp vỏ ngoài của củ hành…), gọt vỏ (củ , quả), loại bỏ những phần dập, nát (bỏ được đến 20-60% chất phóng xạ) rồi rửa lại bằng nước sạch.

Tại những vùng bị ô nhiễm phóng xạ, phương pháp chế biến món ăn nên sử dụng là nấu, luộc thực phẩm.Vì một phần chất phóng xạ sẽ vào nước. Đun thực phẩm với nước trong vòng 10 phút rồi đổ nước đun đi, lấy một lượng nước sạch mới vào nồi và đun cho đến khi thành phẩm.

Đối với thịt: Trước khi nấu, ngâm miếng thịt trong nước lạnh trong vòng 2 giờ. Sau đó cắt thành miếng nhỏ, đổ nước lạnh vào nồi rồi đun sôi nhỏ lửa trong vòng 10 phút. Sau đó đổ nước đun trong nồi đi rồi cho một lượng nước mới vào đun cho đến khi được món ăn

Đối với nước: cần đun sôi nước và để nước sôi trong vòng 15-20 phút. Sau đó để nước nguội, và lắng đọng cặn. Thận trọng đổ phần nước trong sang bình đựng nước khác để uống (không làm vẩn cặn).

Khi đã bị hấp thụ một lượng chất phóng xạ vào cơ thể, để giúp cơ thể đào thải chất phóng xạ cần phải ăn khẩu phần ăn có lượng đạm cao (hơn 10% khẩu phần ăn hằng ngày). Tăng lượng đạm để giúp cơ thể bù lại những chất mang nhóm chức –SH bị ô xy hóa bởi các gốc tự do hình thành do phóng xạ. Nguồn đạm ngoài thịt và sữađậu nành cá biển, cua, tôm và mực.  

PV: Cục ATVSTP với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về VSATTP đã có ứng phó gì đối với thực phẩm của các tỉnh Đông Bắc Nhật Bản bị nhiễm xạ?

GS.TS. Nguyễn Công Khẩn:

Chúng tôi thường xuyên cập nhật thông tin và cảnh báo về tình hình nhiễm xạ thực phẩm có nguồn gốc từ Nhật Bản và việc giải quyết vấn đề nhiễm xạ thực phẩm của các nước trong khu vực và thế giới qua mạng INFOSAN (WHO), Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản;...

Kiểm soát chặt chẽ đối với việc  nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc từ Nhật Bản. Chủ động lấy mẫu thực phẩm lưu thông trên thị trường để kiểm nghiệm về ô nhiễm phóng xạ (do một trong 4 Trung tâm chuyên môn về Phóng xạ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ được chỉ định). Cho tới nay, kết quả kiểm nghiệm chưa phát hiện thực phẩm bị ô nhiễm phóng xạ hoặc ở mức rất thấp không có ảnh hưởng tới sức khỏe

Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan để đưa ra các giải pháp ứng phó kịp thời đối với nguy cơ ô nhiễm phóng xạ của thực phẩm nhập khẩu và các diễn biến khác có thể xảy ra trong thời gian tới.

Người tiêu dùng không nên quá lo lắng. Các cơ quan chức năng đang theo dõi chăm chú và ứng phó nhanh chóng và có hiệu quả đối với vấn đề này.

PV:Xin cảm ơn ông!  

Đỗ Thị Hân

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Chủ đề được quan tâm

Bí quyết sống khỏe Bí quyết sống khỏe Thứ năm, 14:36:36 09/07/2020
Món ngon giữ lửa yêu Món ngon giữ lửa yêu Thứ năm, 14:35:22 09/07/2020
Bệnh trẻ em Bệnh trẻ em Thứ năm, 14:33:41 09/07/2020
Bệnh phụ nữ Bệnh phụ nữ Thứ năm, 14:31:55 09/07/2020
Bài thuốc hay Bài thuốc hay Thứ năm, 14:30:47 09/07/2020

Video nổi bật

Sản phẩm mới