Bảo đảm điều trị ARV bền vững cho các bệnh nhân HIV

Chủ nhật, 13:22:12 02/12/2018
Tổng kinh phí để điều trị ARV miễn phí cho các bệnh nhân HIV là khoảng 420 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, 95% số thuốc được tài trợ.

Tổng kinh phí để điều trị ARV miễn phí cho các bệnh nhân HIV là khoảng 420 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, 95% số thuốc được tài trợ. Tuy nhiên, khi viện trợ quốc tế cho hoạt động này chấm dứt vào năm 2017, giải pháp nào để bảo đảm những người có HIV tiếp tục được điều trị ARV?

Vai trò của điều trị bằng ARV

ARV là thuốc được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1987 trong điều trị cho người nhiễm HIV. Với tác động ức chế sự nhân lên của HIV thuốc ARV có khả năng phục hồi sức đề kháng của cơ thể, giúp người nhiễm HIV sống khỏe hơn, kéo dài tuổi thọ đồng thời làm giảm khả năng lây truyền HIV từ mẹ sang con và giảm nhiễm HIV mới trong cộng đồng. Từ năm 2004, người nhiễm HIV tại Việt Nam đã được điều trị bằng ARV.

Việc điều trị bằng thuốc ARV đem lại hiệu quả cao khi kết hợp ít nhất ba loại thuốc ARV có tác dụng cải thiện chất lượng cuộc sống của người nhiễm HIV, giúp họ sống lâu hơn, khỏe hơn, đồng thời làm giảm lây truyền HIV sang người khác do tác dụng ức chế sự nhân lên của HIV trong cơ thể người. Với sự hỗ trợ của quốc tế, việc điều trị bằng thuốc ARV được triển khai thí điểm năm 2004 với 500 bệnh nhân đã tăng lên gần 100.000 trường hợp ở giai đoạn hiện nay.

Cần duy trì điều trị ARV miễn phí

Tại tọa đàm trực tuyến Bảo đảm điều trị ARV bền vững do Cổng thông tin điện tử Chính phủ thực hiện mới đây tại Hà Nội TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, cả nước hiện có 227.000 người nhiễm HIV. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn. Trong số này, số người được điều trị ARV là 100.000 người, chiếm chưa tới 50%.

Tổng kinh phí để điều trị ARV miễn phí cho các bệnh nhân HIV là khoảng 420 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, 95% số thuốc được tài trợ. “Điều trị thuốc ARV là nhu cầu thiết yếu của người có HIV. Thời gian tới, nguồn viện trợ bị cắt giảm và không duy trì được việc điều trị thì tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong sẽ cao hơn, nguy cơ lây nhiễm bệnh cao hơn” - TS. Nguyễn Hoàng Long khẳng định.

Cũng theo TS. Nguyễn Hoàng Long, việc điều trị ARV phải đảm bảo nghiêm ngặt theo phác đồ như uống thuốc đúng giờ, đúng liều lượng và uống thường xuyên hàng ngày. Nếu không được điều trị thường xuyên, bệnh nhân rất dễ lâm vào tình trạng kháng thuốc. Khi đó, sẽ phải nâng lên điều trị ở phác đồ bậc hai, cao hơn, tốn kém hơn.

Cụ thể, nếu điều trị theo phác đồ thông thường, chi phí uống ARV cho một bệnh nhân có HIV một năm là hơn 3 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu phải tăng lên điều trị theo phác đồ bậc 2, con số này là hơn 20 triệu đồng, cao gấp 6, 7 lần.

Anh Nguyễn Văn Thoan, người nhiễm HIV được điều trị ARV cho biết, những người có HIV đa số kinh tế rất khó khăn, lại không làm được nhiều việc như những người bình thường để có thu nhập tốt. Anh Thoan lo lắng khi bị cắt viện trợ thì “... chúng tôi cũng không biết phải trông cậy vào đâu” và mong sao “khi nước ngoài cắt viện trợ, Bảo hiểm y tế sẽ đứng ra hỗ trợ để phần nào giảm bớt khó khăn cho người bệnh”.

Người có HIV nên tham gia Bảo hiểm y tế

“Người có HIV nên tham gia bảo hiểm y tế để được hưởng chính sách điều trị ARV”, đây là lời khuyên của TS. Phạm Lương Sơn - Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại buổi tọa đàm. TS. Sơn cũng cho biết thêm: “Chúng tôi xác định khi nguồn viện trợ bị cắt thì phải góp phần cùng các nguồn tài chính khác để mua thuốc, phục vụ nhu cầu của người bệnh. Đây là trách nhiệm của Bảo hiểm y tế”. Hiện thuốc ARV đã được đưa vào trong danh mục thuốc được Bảo hiểm y tế chi trả. Tuy nhiên, thống kê của Bảo hiểm y tế cho thấy, chỉ 30% người có HIV tham gia bảo hiểm y tế, 70% còn lại không tham gia. Đến thời điểm này, theo TS. Phạm Lương Sơn, quỹ Bảo hiểm y tế có thể cân đối được, không có nguy cơ vỡ quỹ Bảo hiểm y tế khi đưa ARV vào danh mục thuốc được chi trả.     

Nguyễn Thị Thanh Loan

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Chủ đề được quan tâm

Bí quyết sống khỏe Bí quyết sống khỏe Thứ năm, 14:36:43 09/07/2020
Món ngon giữ lửa yêu Món ngon giữ lửa yêu Thứ năm, 14:35:26 09/07/2020
Bệnh trẻ em Bệnh trẻ em Thứ năm, 14:33:38 09/07/2020
Bệnh phụ nữ Bệnh phụ nữ Thứ năm, 14:31:54 09/07/2020
Bài thuốc hay Bài thuốc hay Thứ năm, 14:30:50 09/07/2020

Video nổi bật

Sản phẩm mới