Muỗi: Mầm bệnh ngày Hè - Cần phải có biện pháp phòng tránh như thế nào?

Thứ sáu, 10:16:00 10/08/2018
Hai trong số những bệnh nguy hiểm lây truyền bởi muỗi là sốt xuất huyết và viêm não Nhật Bản.

Thời tiết mùa Hè nóng ẩm mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi và các loại côn trùng khác sinh sôi nảy nở. Với làn da mỏng manh và nhạy cảm, trẻ nhỏ chính là ‘mồi ngon’ cho muỗi.

Muỗi có xu hướng bay tới những nơi có nồng độ khí CO2 cao hay những nơi có nhiệt độ lớn hơn môi trường xung quanh. Muỗi lựa chọn đối tượng hút máu có sự chênh nhau về nhiệt độ mùi cơ thể nồng độ CO2; vì thế những người có nhiệt độ cơ thể cao, số lần hô hấp lớn, sự vận động trao đổi chất lớn sẽ dễ bị đốt hơn những người còn lại.

Muỗi là vật truyền bệnh viêm não Nhật Bản

Một trong những bệnh nguy hiểm mà muỗi là tác nhân gây bệnh là viêm não Nhật Bản (VNNB). Theo đó, vi-rút VNNB được truyền từ hạch nước bọt muỗi qua da do muỗi đốt người. Sau khi qua da, hạt virút nhân lên tại tổ chức dưới da và tại các mạch lympho vùng, di chuyển tiếp đến các hạch lympho tuyến ức và cuối cùng vào máu, gây nhiễm virút huyết của tổ chức ngoài thần kinh.

Muỗi ưa đốt và hút máu động vật máu nóng. Chỉ có muỗi cái mới đốt hút máu do đó chỉ có muỗi cái mới có khả năng nhiễm virút và truyền bệnh VNNB. Một loài muỗi có thể ưa thích đốt hút máu một loài động vật nhất định, nhưng có thể đốt hút máu nhiều loài động vật khác, trong đó có con người.

Vi-rút VNNB có khả năng sinh sản nhân lên trong cơ thể muỗi, tuy nhiên chúng không gây bệnh cho loài muỗi, do đó có thể tồn tại nhiều ngày, kéo dài thời gian truyền bệnh.

Bệnh VNNB không thể lây trực tiếp từ người sang người. Ăn uống chung, dùng chung đồ dùng, tiếp xúc gần gũi với người bệnh không làm lây bệnh. Tuy nhiên, khi nhiễm bệnh vi-rút đến hệ thần kinh trung ương gây sung huyết phù nềxuất huyết vi thể ở não. Gây các tổn thương vi thể như huỷ hoại tế bào thần kinh, thoái hoá tổ chức não viêm tắc mạch; chủ yếu xảy ra ở chất xám não giữa và thân não dẫn đến hội chứng não cấp.

Không chỉ xảy ra cho trẻ nhỏ, bệnh viêm não Nhật Bản còn xuất hiện trên người lớn, gây ra nhiều biến chứng nặng nề.

Muỗi gây bệnh sốt xuất huyết

Muỗi đốt có thể gây bệnh sốt xuất huyết sốt xuất huyết (SXH) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng tên là Dengue (Đăn-gơ) gây ra. Bệnh lây do muỗi vằn hút máu truyền siêu vi trùng từ người bệnh sang người lành.

Muỗi vằn có nhiều khoang trắng ở lưng và chân, thường sống ở trong nhà, đậu trong những chỗ tối như gầm bàn, gầm giường, hốc tủ, quần áo treo trên vách… Muỗi chích hút máu người cả ngày lẫn đêm. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó loại chủ yếu gặp là Aedes aegypti.

Theo thống kê, hàng năm, các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh là nơi có bệnh SXH do muỗi truyền xảy ra thường cao hơn ở những địa phương khác trên cả nước. SXH chủ yếu tập trung ở trẻ em và có nhiều trường hợp bệnh nhân được phát hiện, chẩn đoán muộn; xử trí không kịp thời dẫn đến tử vong

Sự nguy hiểm của bệnh SXH còn có lý do là diễn biến lâm sàng của bệnh rất phức tạp, nhất là trẻ nhỏ, đặc biệt trong những ngày đầu của bệnh. Một số trường hợp bị xuất huyết dưới da không điển hình rất dễ nhầm với sốt phát ban hoặc có trường hợp trẻ sốt 5 ngày không có biểu hiện gì đáng kể, nhưng vài ngày sau đó thấy chảy máu trong hoặc men gan tăng rất cao (chứng tỏ tế bào gan bị hủy hoại nhiều) hoặc viêm cơ tim cấp.

Người mắc bệnh sốt xuất huyết có thể biểu hiện ở thể nặng và thể nhẹ. Nếu ở thể nhẹ, người sẽ sốt cao đột ngột trên 38oC, kéo dài trong 2 - 7 ngày; khó hạ sốt đau đầu dữ dội vùng trán; Đau mỏi cơ, khớp; Đau sau nhãn cầu, có thể có dấu hiệu phát ban; Không kèm theo ho sổ mũi tiêu chảy; Trẻ sơ sinh thường bỏ bú, quấy khóc; các nốt ban (nốt xuất huyết) thường xuất hiện sau sốt 3 ngày, mọc ở cánh tay, cẳng chân, thân mình, nhỏ như vết muỗi đốt, hình tròn, không ngứa, và không hề biến mất khi căng da hay ấn tay vào da.

Lưu ý: Trẻ từ 4-5 tuổi, những ngày đầu sốt phát ban nên dễ nhầm với sốt siêu vi hoặc sốt nhiễm trùng

Nếu ở thể nặng, người bệnh sẽ sốt cao đột ngột trên 38oC; Đau đầu dữ dội vùng trán đau nhãn cầu; xuất huyết ngoài da; đau bụng buồn nôn chân tay lạnh, vật vã, hốt hoảng; chảy máu cam chảy máu chân răng vết bầm chỗ tiêm nôn ra máu đi cầu phân đen..

Do đó, cần có những biện pháp phòng chống bệnh như: Đậy kín các chum, lu chứa nước không để cho muỗi đẻ trứng Thả cá vào tất cả các vật chứa nước trong nhà để ăn bọ gậy Cọ rửa, thay nước các đồ dùng chứa nước 1 tuần/lần.

Thu gom đồ phế thải quanh nhà, lật úp các vật thải có chứa nước. Cho trẻ mặc áo quần dài tay. Khi ngủ phải mắc màn (kể cả ban ngày). Diệt muỗi bằng hóa chất như phun thuốc tẩm màn, tháp hương muỗi, dung bình xịt diệt muỗi, bôi kem chống muỗi chích… Bổ sung đầy đủ thực phẩm dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho trẻ.

Một số mẹo xử trí vết muỗi đốt

1. Vỏ chuối: Vỏ chuối là một trong những ‘bác sỹ gia đình’ hiệu quả khi bị muỗi đốt. Phần mềm bên trong vỏ chuối sẽ làm giảm sưng tấy vết đốt.

2. Bột Soda và nước: Pha một thìa đầy bột soda với nước rồi thoa lên một vùng rộng xung quanh vết muỗi đốt. Sau đó, bạn để khô và rửa sạch lại sau 10 phút hoặc lâu hơn. Hỗn hợp soda sẽ giúp làn da khỏi ngứa và mềm mại với chút tinh dầu nếu bạn muốn.

3. Thìa ấm: Một cách đơn giản và nhanh chóng làm tan vết muỗi đốt là sử dụng thìa ấm đặt lên vết muỗi đốt khoảng chừng 1 phút. Bạn có thể đặt thìa vào nước nóng cho đến khi thìa ấm nhưng tránh để quá nóng. Nhiệt lượng vừa đủ giúp làm tan các protein gây ngứa ở vết muỗi đốt, làm mềm da bạn và giảm đau

4. Muối Epsom: Khi bị nhiều vết muỗi đốt, bạn nên chuẩn bị nước tắm nóng có pha nhiều muối Epsom và ngâm mình trong bồn tắm.Với cách này, bạn sẽ hết mẩn ngứa và hoàn toàn thư giãn.

5. Nước chè: Sau khi pha một ly trà đen hoặc trà xanh để thưởng thức, bạn hãy làm lạnh túi trà hoặc lá chè và đặt lên vết muỗi đốt. Các chất trong túi chè hoặc lá chè sẽ tác động lên vết muỗi đốt, làm dịu làn da và ngăn mẩn ngứa.

6. Dấm táo: Dấm táo có rất nhiều tác dụng: tăng cường quá trình trao đổi chất giải cảm giúp tóc bóng mượt và ngăn mẩn ngứa do muỗi đốt. Bạn hãy thử dùng bông thấm nước dấm táo và bôi lên vết muỗi đốt để thấy rõ hiệu quả.

7. Miếng băng dính: Nghe có vẻ kì quặc, nhưng nếu bạn bị muỗi đốt, miếng băng dính không chỉ giúp bạn bớt ngứa ngáy mà còn tránh trầy xước da khi gãi.

Đỗ Thị Hân

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Chủ đề được quan tâm

Bí quyết sống khỏe Bí quyết sống khỏe Thứ năm, 14:36:40 09/07/2020
Món ngon giữ lửa yêu Món ngon giữ lửa yêu Thứ năm, 14:35:18 09/07/2020
Bệnh trẻ em Bệnh trẻ em Thứ năm, 14:33:46 09/07/2020
Bệnh phụ nữ Bệnh phụ nữ Thứ năm, 14:31:56 09/07/2020
Bài thuốc hay Bài thuốc hay Thứ năm, 14:30:45 09/07/2020

Video nổi bật

Sản phẩm mới