Buồn nôn 3 lần liên tục và 3 dấu hiệu hay bị phớt lờ của ung thư dạ dày

Thứ năm, 16:15:05 05/11/2020

Vào ngày 23/9 vừa qua, ông Cao (48 tuổi) ở Hà Nam, Trung Quốc sau khi ăn món giò heo om vào buổi trưa, ông cảm thấy buồn nôn, nôn mửa kèm theo chướng bụng, ợ chua và nhiều cảm giác khó chịu khác. Ông cho rằng, vì món giò heo quá béo nên mới gây ra tình trạng như vậy. Mặc dù uống thuốc giảm đau nhưng cảm giác khó chịu vẫn không thuyên giảm.

Sau đó, ông Cao được người nhà đưa đến bệnh viện địa phương để kiểm tra và điều trị. Ban đầu, bác sĩ chẩn đoán ông bị viêm túi mật, được cho uống thuốc chống nhiễm trùng và truyền nước. Tuy nhiên, các triệu chứng buồn nôn vẫn không được cải thiện.

Trước tình hình phức tạp của bệnh nhân, bác sĩ quyết định chuyển ông Cao lên bệnh viện tuyến trên để siêu âm Doppler màu gan, mật, lá lách, tuỵ và chụp CT vùng bụng trên. Kết quả cho thấy, thành túi mật dày, gồ ghề, gan nhiễm mỡ. Mặc dù được điều trị tích cực, song mọi thứ vẫn không tiến triển tốt. Tinh thần của ông Cao sa sút, thói quen đại tiện cũng thay đổi, cả người gầy rộc đi.

Bác sĩ phân tích rằng, tình trạng nôn mửa của ông Cao rất nghiêm trọng, có thể căn bệnh không đơn giản nên đã tiến hành nội soi dạ dày một lần nữa, kết quả lần này cho thấy đó là ung thư dạ dày.

Các triệu chứng ung thư dạ dày rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác

Vì triệu chứng buồn nôn và nôn mửa, ông Gao được chẩn đoán mắc bệnh ung thư dạ dày sau 3 lần kiểm tra. Điều này chứng tỏ, sự nhầm lẫn của căn bệnh dạ dày với những bệnh khác rất phổ biến.

Một số triệu chứng của ung thư dạ dày dễ bị nhầm lẫn với bệnh khác như:

- Buồn nôn và nôn mửa

Nếu khối u xuất hiện ở môn vị, thức ăn vận chuyển qua cơ quan này bị tắc nghẽn, người bệnh sẽ cảm thấy buồn nôn. Tuy nhiên, vì buồn nôn và nôn là một triệu chứng bệnh rất phổ biến nên nhiều người không quá chú ý đến giai đoạn đầu của bệnh, dễ trì hoãn cơ hội điều trị.

Ví dụ, viêm dạ dày ruột cấp tính cũng có thể gây ra nôn mửa. Sau khi điều trị đúng cách, bệnh sẽ thuyên giảm đáng kể trong vòng 3-5 ngày. Trong khi đó, nôn mửa do ung thư dạ dày diễn ra trong thời gian dài, chất nôn sẽ tích tụ lại mỗi ngày. Nhiều trường hợp người bệnh tích tụ thức ăn suốt 10 tháng trong dạ dày.

- Đau bụng trên

Trong giai đoạn đầu, nếu người bệnh chỉ cảm thấy đau tức bụng trên, hay chướng bụng, rất dễ nhầm với bệnh viêm hoặc loét dạ dày. Tuy nhiên, nếu là người có bệnh lý về dạ dày, cần phát hiện kịp thời tính chất và diễn biến thường xuyên của cơn đau. Nếu nghi ngờ đó là triệu chứng của khối u, cần kiểm tra càng sớm càng tốt.

Ví dụ, loét dạ dày chủ yếu là đau vùng thượng vị thường xuyên do đói và lạnh, có thể thuyên giảm khi ăn và uống thuốc kháng axit, nhìn chung không có cảm giác thèm ăn. Trong khi ung thư dạ dày, cơn đau vùng bụng không đều và nặng dần, dùng thuốc không thuyên giảm, đôi khi ăn uống sẽ làm cơn đau nặng hơn, thường kèm theo cảm giác chán ăn.

- Sụt cân

Khi có vấn đề về dạ dày, quá trình tiêu hóa và hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thức ăn cũng sẽ bị ảnh hưởng, do chán ăn hoặc khó tiêu sẽ khiến người bệnh sụt cân, kèm theo đó là tình trạng tiêu chảy, nôn mửa, da xanh.

Nếu tình trạng viêm hang vị dạ dày kéo dài, tái đi tái lại, các triệu chứng không thuyên giảm, tiếp tục nôn mửa, cân nặng sụt giảm mạnh, thậm chí xuất hiện triệu chứng thiếu máu, cần cẩn trọng dấu hiệu ung thư dạ dày giai đoạn đầu.

Ngoài 3 dấu hiệu ban đầu thường gặp hơn, khi ung thư dạ dày xâm lấn hoặc di căn, người bệnh còn có thể bị trào ngược axit, ợ chua, ợ hơi, nấc cụt và các triệu chứng khác. Hầu hết đều rất giống với các bệnh lý dạ dày thông thường, lúc này việc chẩn đoán ung thư dạ dày vô cùng quan trọng.

Nội soi dạ dày và sinh thiết là lựa chọn hàng đầu để phát hiện ung thư giai đoạn đầu

Nội soi tiêu hóa, bao gồm cả nội soi dạ dày và đại tràng là phương pháp hữu hiệu để tìm ra các bệnh về đường tiêu hóa. Tại Nhật Bản, hơn 80% các khối u đường tiêu hóa có thể được phát hiện qua nội soi tiêu hóa ở giai đoạn sớm. Điều này cũng giúp nâng cao tỷ lệ chữa khỏi của bệnh nhân. Ngược lại, ở Trung Quốc, tỷ lệ tầm soát sớm các khối u của hệ tiêu hóa là dưới 10%.

Do tỷ lệ sống sót sau 5 năm nếu phát hiện sớm khối u đường tiêu hóa có thể lên tới hơn 95%. Nếu phát hiện muộn, tỷ lệ sống 5 năm sẽ giảm xuống dưới 45%, nên nội soi dạ dày sớm có ý nghĩa rất lớn.

Về mặt lâm sàng, nội soi dạ là tiêu chuẩn “vàng” để chẩn đoán các bệnh lý về dạ dày. Với sự hỗ trợ của nội soi, các bác sĩ có thể quan sát trực quan hơn tình trạng bên trong dạ dày. Điều này có ý nghĩa tích cực trong việc chẩn đoán bệnh, đánh giá tình trạng và hiệu quả điều trị.

Nhóm nguy cơ cao nên nội soi dạ dày thường xuyên

Về mặt lâm sàng, những bệnh nhân bị viêm teo dạ dày đặc biệt được khuyến cáo nội nên soi dạ dày thường xuyên. Bởi vì, các bước tiến triển của ung thư dạ dày là từ viêm đến loét, sau đó đến viêm teo và cuối cùng là ung thư

Ngoài ra, ung thư dạ dày có yếu tố di truyền nhất định, những người có tiền sử gia đình bị ung thư dạ dày và người lớn tuổi nên được nội soi tầm soát thường xuyên. Đặc biệt, những người sau 40 tuổi, ý thức tầm soát bệnh cần được nâng cao.

Nếu có biểu hiện thiếu máu, sụt cân, chán ăn, cũng nên nội soi dạ dày.

Đối với nội soi dạ dày, điều quan trọng nhất là phải xem xét tình hình thực tế của bệnh nhân, qua kiểm tra có thể tìm ra các bệnh lý về hệ tiêu hóa. Việc nâng cao nhận thức về khám sức khoẻ định kỳ có thể sẽ giúp phát hiện sớm các khối u.

Ngoc Diệp

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Chủ đề được quan tâm

Bí quyết sống khỏe Bí quyết sống khỏe Thứ năm, 14:36:44 09/07/2020
Món ngon giữ lửa yêu Món ngon giữ lửa yêu Thứ năm, 14:35:26 09/07/2020
Bệnh trẻ em Bệnh trẻ em Thứ năm, 14:33:38 09/07/2020
Bệnh phụ nữ Bệnh phụ nữ Thứ năm, 14:32:01 09/07/2020
Bài thuốc hay Bài thuốc hay Thứ năm, 14:30:52 09/07/2020

Video nổi bật

Sản phẩm mới