Sự thật về một số loại "biệt dược" không phải ai cũng biết

Thứ sáu, 14:05:03 15/02/2019
Một số phương thuốc được truyền tụng như một "thần dược" chữa bách bệnh, đặc biệt công dụng trong cường dương bổ thận, dành cho những người đàn ông yếu sinh lý. Người ta truyền nhau bí quyết của tay gấu ngâm rượu, cao hổ cốt, mật gấu... như một thứ linh dược có thể thay đổi hoàn toàn sinh lực của người đàn ông ở bất cứ lứa tuổi nào. Vậy đâu là giá trị thực của những vị thuốc này?

1. Mật gấu (Hùng đởm)

Theo Y học cổ truyền (YHCT), mật gấu có vị đắng, tính hàn. Người xưa dùng mật gấu với tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm hoạt huyết giảm đau Với những ứng dụng cụ thể trên lâm sàng như:

- Với tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm, người ta dùng để điều trị các trường hợp sốt cao co giật trong các bệnh nhiễm trùng Người ta thường hòa một ít mật gấu với nước sắc của câu đằng bình vôi... hoặc điều trị các trường hợp viêm gan cấp, người ta thường hòa một ít mật gấu với nước sắc của nhân trần... cho người bệnh uống. Đối với viêm họng cấp viêm loét miệng người ta có thể dùng mật gấu bôi lên chỗ đau để tiêu viêm, giảm đau.

- Đối với các trường hợp sưng tấy, bầm tím do ứ huyết bởi sang chấn, người ta dùng mật gấu hòa trong rượu xoa bóp nơi bị sang chấn, có hiệu quả tan máu tụ rất tốt. Liều lượng thường dùng từ 1-2g.

Mật gấu có vị đắng, tính hàn

Mật gấu có vị đắng, tính hàn

- Đối với gấu người ta thường sử dụng mật, ngoài ra người xưa còn sử dụng các bộ phận khác như:

+ Mỡ gấu gọi là Hùng chi hay Hùng bạch, người xưa dùng 1kg mỡ là ở lưng gấu, bỏ vào ít hạt tiêu rồi rán, sau đó cất đi, khi cần thì dùng chữa bệnh phong thấp

+ Thịt gấu và xương gấu gọi là Hùng nhục và Hùng cốt dùng để nấu cao, cao gấu dùng để điều trị các bệnh khớp mãn tính.

+ Bàn tay gấu gọi là Hùng chưởng, người xưa coi là một trong số cao lương mỹ vị - Bát trân. Thường được nấu với rượu, có tác dụng tăng cường khí lực.

2. Tê giác:

Theo YHCT, sừng tê giác có vị đắng, chua, mặn và tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, giải độc, an thần. Trên lâm sàng, người xưa thường sử dụng sừng tê giác trong điều trị các trường hợp sau:

- Thanh nhiệt lương huyết trong trường hợp sốt cao co giật gây xuất huyết như chảy máu cam xuất huyết dưới da xuất huyết nội tạng... trong các bệnh nhiễm trùng.

- Thanh nhiệt giải độc: trong trường hợp nhiễm độc do rắn độc cắn.

- An thần trong các trường hợp mất ngủ kéo dài thuộc về nhiệt chứng.

3. Hổ cốt:

Xương hổ có vị mặn, cay, tính hơi ấm. Toàn bộ xương hổ đều có thể dùng làm thuốc xương sọ gọi là hổ đầu, xương cột sống gọi là hổ tích, xương sườn gọi là hổ tặc... nhưng tốt nhất là xương hai ống chân trước (humerus), do bởi khí lực toàn thân của hổ tập trung chủ yếu ở 2 chân trước của nó. Theo YHCT, khi hổ cốt được nấu thành cao - cao hổ cốt có tác dụng hoạt lạc trừ phong thấp và bổ khí huyết Người xưa thường sử dụng cao hổ cốt điều trị các trường hợp sau:

- Điều trị bệnh khớp mạn tính: Viêm khớp mạn tính thoái hóa khớp đau dây thần kinh ngoại biên như đau dây thần kinh tọa đau dây thần kinh liên sườn

- Bổ khí huyết: Dùng để hồi phục sức khỏe trong các trường hợp suy nhược cơ thể người mệt mỏi vô lực... đặc biệt ở người cao tuổi.

Các bộ phận khác như: Hổ nhục (thịt hổ), hổ thận (thận hổ), hổ đởm (mật hổ), hổ tu (râu hổ), hổ trảo (vuốt hổ)... đều được sử dụng làm thuốc để điều trị nhiều chứng bệnh khác nhau.

Mật gấu, sừng tê giác, hổ cốt không chỉ dựa vào lý luận của YHCT mà đã được ứng dụng trong thực tiễn chữa bệnh hàng nghìn năm nay và thực tiễn được ghi chép trong các y văn, chỉ bao gồm những chủ trị cơ bản như chúng tôi đã trình bày ở trên. Những năm gần đây, khi đưa các phương tiện nghiên cứu khoa học hiện đại như hóa phân tích, thực nghiệm của dược lý học đã xác định được những tính năng cơ bản của vị thuốc này như:

- Trong mật gấu có các chất: Muối kim loại của các axit cholic, axit chenodesoxycholic, axit ursodesoxycholic là một axit đặc biệt chỉ có trong mật gấu để có thể phân biệt mật gấu thật và giả. Dùng ngoài, mật gấu có tác dụng làm hết xung huyết, nên hay dùng để xoa bóp chữa sưng đau do sang chấn.

- Phân tích thành phần hóa học của sừng tê giác có: Keratin canxi cacbonat canxi photphat. Thủy phân sừng tê giác cho các axit amin là Tyrosin, axit tiolactic, cystein. Trên thực nghiệm sừng tê giác có tác dụng làm tăng áp có thể từ tác dụng cường tim đồng thời khi bắt đầu sử dụng làm giảm bạch cầu sau đó làm tăng bạch cầu hưng phấn ruột và tử cung thỏ (trên ống nghiệm) và cũng có tác dụng an thần rõ.

Mật gấu, sừng tê giác, hổ cốt được người xưa đánh giá là những vị thuốc quý trong kho tàng các vị thuốc Đông dược. Nhưng thực chất, những tính năng, tác dụng được ghi nhận chính thức trong sách vở kinh điển của dược học cổ truyền chỉ trong phạm vi đã được trình bày trên cùng với một số nghiên cứu về thành phần hóa học và dược lý hiện đại cho thấy, các loại thuốc này không phải là "linh dược" dùng đối với tất cả các loại bệnh, hoặc là những vị thuốc có khả năng "cải tử hoàn sinh", thay đổi sinh lực ở đàn ông như nhiều người kỳ vọng... Việc nhiều người bất chấp mọi tốn kém tìm mua cho bằng được để sử dụng là một ảo tưởng.

Ngày nay, đồng hành với YHCT còn có Y học hiện đại với các phương tiện kỹ thuật ngày càng tiên tiến. Vì vậy, trên cơ sở kết hợp YHCT với Y học hiện đại, bảo vệ tài nguyên và môi trường, bảo vệ động vật quý hiếm chúng ta có thể sử dụng nhiều loại thuốc cũng như các chế phẩm nghiên cứu mới có tác dụng tương tự như các vị thuốc trên để vừa có thể bảo vệ sức khỏe con người, vừa bảo vệ tài nguyên môi trường, vừa đỡ lãng phí tiền bạc vào những "đồn thổi" mà thực chất những vị thuốc đó không hề có.

Hoàng Thu Thảo

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Chủ đề được quan tâm

Bí quyết sống khỏe Bí quyết sống khỏe Thứ năm, 14:36:38 09/07/2020
Món ngon giữ lửa yêu Món ngon giữ lửa yêu Thứ năm, 14:35:27 09/07/2020
Bệnh trẻ em Bệnh trẻ em Thứ năm, 14:33:47 09/07/2020
Bệnh phụ nữ Bệnh phụ nữ Thứ năm, 14:31:53 09/07/2020
Bài thuốc hay Bài thuốc hay Thứ năm, 14:30:53 09/07/2020

Video nổi bật

Sản phẩm mới