Mách bạn cách diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết dễ làm nhưng có hiệu quả cao

Chủ nhật, 10:56:09 25/11/2018
Hiện nay, để phòng chống bệnh sốt xuất huyết do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh, cho nên phải lấy việc phòng chống muỗi truyền bệnh là chính.

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết là một trong những loài muỗi vằn (màu đen, có nhiều đốm trắng) sống gần người, chủ yếu ở trong nhà, ổ bọ gậy do con người tạo ra, tên khoa học là Aedes aegypti.

Ở nước ta, muỗi Ae. aegypti phân bố toàn quốc, hình da báo, trong ba sinh cảnh: thành thị, đồng bằng ven biển và các làng bản gần đường giao thông thủy bộ.

Đó là những nơi dân cư đông đúc, thiếu nước sinh hoạt và các phương tiện giao thông (tàu hỏa, ô tô, tàu, thuyền và máy bay) thường xuyên qua lại.H iện nay, do sự đô thị hóa, vùng phân bố của loài muỗi này ngày càng mở rộng thêm.

Muỗi Ae. aegypti ở nước ta tồn tại quanh năm, có số lượng cao vào các tháng nóng mưa nhiều. Khi nhiệt độ cao, thời gian của chu kì phát triển ngắn lại. Còn mưa nhiều làm cho số lượng ổ bọ gậy tăng lên. Cho nên càng vào Nam càng có điều kiện cho loài muỗi nguy hiểm này phát triển. Tuy nhiên, số lượng của loài muỗi Ae.aegypti phụ thuộc nhiều vào việc cung cấp nước sạch và phong trào vệ sinh phòng bệnh. Ở những nơi làm tốt hai việc này thì số lượng của chúng giảm hẳn.

Muỗi Ae.aegypti thích hút máu người ở trong nhà vào ban ngày, hoạt động mạnh vào lúc sáng sớm và chiều tối. Một con muỗi có khi phải đốt nhiều người mới no máu. Chúng thích đậu trên chăn, màn, quần áo, nhất là quần áo có mầu xẫm, ít đậu trên tường vách. Loài muỗi này đẻ trứng trên thành các dụng cụ chứa nước, như bể, phuy, chum, vại, bể cảnh, lọ hoa (nhất là các lọ trồng cây Vạn thọ hay Sống đời...), bát kê chân chạn, khay hứng nước tủ lạnh, bát cạo mủ cao su; các dụng cụ phế thải như lốp xe hỏng, thùng, xô bỏ đi, chai lọ, bát vỡ (có rất nhiều ở các làng nghề gốm), máng hứng nước mưa.

Những nơi đẻ trứng của muỗi Ae. aegypti có đặc điểm chung là có thành cứng, để cho muỗi đậu khi đẻ; diện tích bề mặt nhỏ và mức nước thường xuyên thay đổi để trứng nở.

Trứng của muỗi Ae. aegypti bám rất chắc trên thành dụng cụ chứa nước và sống khá lâu trong điều kiện khô hạn, từ 1- 6 tháng. Những dụng cụ chứa nước là nơi đẻ trứng cũng là những ổ bọ gậy và lăng quăng của loài muỗi này.Thời gian phát triển của hai giai đoạn bọ gậy và lăng quăng từ 10-25 ngày, phụ thuộc vào nhiệt độ không khí và nguồn thức ăn cho bọ gậy (lăng quăng không ăn).

Vì đặc điểm của nơi đẻ trứngbọ gậy muỗi Ae.aegypti không có trong các vũng nước, cống rãnh, ao hồ, sông suối, ruộng lúa... Nhưng trong các loại thủy vực này có rất nhiều bọ gậy của các loài muỗi khác, là trung gian truyền các bệnh cũng rất nguy hiểm như sốt rét giun chỉ viêm não Nhật Bản

Để diệt muỗi Ae.aegypti phải dùng biện pháp tổng hợp, vừa diệt muỗi vừa diệt các pha trước trưởng thành, bao gồm trứng, bọ gậy và lăng quăng. Việc diệt các pha trước trưởng thành là rất quan trọng, chẳng những có tác dụng phòng dịch mà còn có tác dụng nâng cao và duy trì hiệu quả của công tác chống dịch. Bởi vì khi chống dịch người ta phải tiến hành phun hóa chất diệt muỗi (thường là phun dạng hạt cực nhỏ ULV), mà biện pháp này chỉ có tác dụng tồn lưu trong thời gian ngắn, nên phải phun đi, phun lại nhiều lần. Cũng cần kể đến là việc phun hóa chất diệt muỗi rất tốn kinh phí và muỗi Ae. aegypti đã kháng với nhiều loại hóa chất diệt côn trùng rồi.

Dưới đây là một số biện pháp diệt các pha trước trưởng thành của muỗi Ae. aegypti được rút ra từ những nghiên cứu trong nhiều năm của chúng tôi:

1. Ngăn ngừa muỗi đẻ trứng và diệt trứng muỗi:

- Ngăn ngừa muỗi đẻ trứng bằng cách thường xuyên đậy kín các dụng cụ chứa nước như bể, phuy, chum, vại... hủy bỏ các dụng cụ phế thải; các lốp xe ô tô hỏng phải xếp thành chồng rồi lấy ni lon che lại; còn các máng nước cần làm dốc, sao cho không đọng nước.

Để ngăn ngừa muỗi đẻ trứng vào lọ hoa ta làm nút cho chúng. Nút lọ hoa làm bằng vải mềm (vải gạc, vải xô...) hay giấy báo, có kích thước không lớn lắm, từ 30cmX30cm trở lên, tùy theo kích thước của miệng bình. Sau khi đổ nước, đặt cành hoa hoặc cây hoa vào lọ, ta nhét miếng vải mềm hay mảnh giấy báo vào kẽ giữa các cây và giữa cây và thành bình. Làm như vậy, muỗi không thể chui vào đẻ trứng được nữa.

- Để diệt trứng muỗi, phải thường xuyên cọ rửa dụng cụ chứa nước ăn và nước rửa. Triệt để hơn, dùng nước sôi dội lên thành bên trong các dụng cụ chứa nước, nơi có trứng muỗi bám vào, bằng cách dùng ấm đựng nước vừa sôi dội từ từ Tùy theo dụng cụ chứa nước to hay nhỏ, thành dụng cụ cao hay thấp mà ước lượng lượng nước sôi cần dùng (nhiều nhất cũng chỉ đến 1/2 lít), sao cho toàn bộ thành bên trong , kể từ trên miệng dụng cụ đến mặt nước, được tráng hết nước sôi là được. Chúng tôi đã theo dõi ở thực địa, những dụng cụ chứa nước được xử lý theo phương pháp này thì trứng muỗi bám trên thành của chúng chết hết.

- Xin nhấn mạnh rằng, việc diệt trứng muỗi Ae.aegypti là rất cần thiết. Nó góp phần làm giảm số lượng muỗi trưởng thành, trong số đó có những con đã mang sẵn mầm bệnh bởi virus sốt xuất huyết có thể được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác của muỗi là trung gian truyền bệnh qua giai đoạn trứng. Nói rõ hơn, có những con muỗi chưa hút máu người mắc bệnh đã mang mầm bệnh rồi.

2. Diệt bọ gậy và quăng:

- Ở những dụng cụ chứa nước ăn nước rửa trong các gia đình như bể, phuy, chum, vại… bể cảnh, tốt nhất là thả cá. Các loài cá thường sử dụng là cá rô phi, cá cờ, cá vàng, cá bảy mầu… Chú ý, phải thả bổ sung ngay khi thấy cá bị mất hay bị chết.

- Cho dầu hoặc bỏ muối ăn vào các bát chống kiến (kê chân chạn) và khay hứng nước dưới gầm tủ lạnh...

Việc phòng chống chống bệnh sốt xuất huyết trong đó việc diệt muỗi truyền bệnh là rất quan trọng.Việc này chỉ có thể thành công khi được tiến hành thường xuyên dưới sự chỉ đạo của các cấp chính quyền, trước tiên là việc thành lập các đội xung kích đi đến từng nhà kiểm tra bọ gậy và tuyên truyền các biện pháp phòng chống Đồng thời cần thiết có sự tham gia của các đoàn thể, nhất là phụ nữ thanh niên, thiếu niên... và sự hưởng ứng, cùng làm của mọi người, nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe cho mình và cho cộng đồng.

Nghiêm Thị Trinh

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Chủ đề được quan tâm

Bí quyết sống khỏe Bí quyết sống khỏe Thứ năm, 14:36:40 09/07/2020
Món ngon giữ lửa yêu Món ngon giữ lửa yêu Thứ năm, 14:35:22 09/07/2020
Bệnh trẻ em Bệnh trẻ em Thứ năm, 14:33:41 09/07/2020
Bệnh phụ nữ Bệnh phụ nữ Thứ năm, 14:31:53 09/07/2020
Bài thuốc hay Bài thuốc hay Thứ năm, 14:30:49 09/07/2020

Video nổi bật

Sản phẩm mới