Các biện pháp đối phó với thoát vị cột sống cổ đơn giản và hiệu quả

Thứ bảy, 22:01:13 01/12/2018
Thoái hóa cột sống là yếu tố chính gây ra thoát vị đĩa đệm (TVĐĐ). Mặc dù cùng có chung một nguyên lí sinh bệnh nhưng TVĐĐ ở cột sống cổ tỏ ra nguy hiểm hơn nhiều so với ở thắt lưng, vì ở vùng này tủy sống có nhiều trung tâm quan trọng. Tê tay chân cùng với dấu hiệu đau có thể là biểu hiện của căn bệnh này.

Điều kiện đầu tiên để khối thoát vị của đĩa đệm cột sống cổ có thể gây ra bệnh là phải có hẹp ống sống cổ. Ống sống cổ chỉ cần hẹp tương đối, nếu không có khối thoát vị thì vẫn còn đủ chỗ cho tủy sống và các rễ thần kinh nên không có triệu chứng gì cả, khi có khối thoát vị, tủy sống hoặc rễ thần kinh bị chèn ép gây ra bệnh. Còn khi ống sống rộng đủ chỗ cho cả tủy, các rễ thần kinh cùng với khối thoát vị chung sống hòa hoãn với nhau thì ta được “yên thân”.

Biểu hiện của TVĐĐ cột sống cổ

Biểu hiện bệnh thường được chia thành hai nhóm: nhóm bệnh lí rễ và nhóm bệnh lí tủy.

Ở nhóm bệnh lí rễ, biểu hiện nổi bật thường là đau và tê. Đau cổ gáy, thường lan ra vai và xuống tay, làm hạn chế vận động của tay khi đưa ra sau (gãi sau lưng) hoặc lên cao (chải đầu). Đôi khi đau lan ra cả một vùng da đầu. Thông thường đau nhức nhối, khó chịu nhưng đôi khi đau biểu hiện giống như mỏi, mơ hồ và không rõ ràng. Ở nước ta, nhiều người bệnh có biểu hiện đau ở một bên thành ngực hoặc ở vùng cột sống giữa hai bả vai, dấu hiệu này ít có ở Âu Mỹ.

Tê thường hay thấy ở vùng cẳng tay bàn tay và các ngón tay, tăng lên sau khi làm việc nhiều hoặc lái xe gắn máy. Nếu các ngón tay bị tê, người bệnh sẽ có cảm giác khác lạ khi cầm nắm các đồ vật thường dùng. Nhiều người có yếu cơ nhưng ít khi tự nhận biết được, chỉ đến khi yếu nhiều, không còn cầm nắm chắc, viết, cầm đũa hoặc gài nút áo khó khăn thì mới nhận ra. Khi bệnh nặng có thể có teo một số cơ ở tay.

Ở nhóm bệnh lí tủy, biểu hiện nổi bật thường là tê và yếu liệt. Tê thường bắt đầu ở vùng thân mình, đặc biệt ở vùng bụng trước, sau đó là hai chân và hai tay. Chân thường yếu trước hai tay làm cho người bệnh hay bị rớt dép hoặc dễ vấp ngã. Khi yếu nhiều, có thể thấy các thớ cơ rung lên mỗi khi đụng vào hoặc gắng sức. Khi bệnh nặng, người bệnh đi lại khó khăn, hai tay cũng không còn làm việc bình thường được nữa, tiểu khó và thường bị táo bón hay cảm thấy thiếu hơi hoặc khó thở

Khuyến cáo của thầy thuốc

Khi chưa có dấu hiệu của thương tổn thần kinh trong bệnh lí rễ hoặc chưa có biểu hiện của bệnh lí tủy, các bác sĩ sẽ áp dụng các biện pháp điều trị bảo tồn gồm vật lí trị liệu và dùng thuốc Các loại thuốc kháng viêm giãn cơ và giảm đau thường được các bác sĩ lựa chọn.

Kéo cột sống cổ là một phương pháp khá hiệu quả nhưng đòi hỏi người bệnh phải kiên trì. Xoa nắn (chiropatic) bởi các chuyên gia thực thụ (chứ không phải trong các tiệm massage) và các bài tập cũng mang lại hiệu quả khá khả quan. Các phương pháp “cao cấp” khác phải thực hiện tại phòng tập bởi chuyên gia thực hiện như sóng ngắn, siêu âm, laser ngoài da, kích thích điện... mang lại hiệu quả rất cao.

Tiêm thấm vùng cổ cũng thường được áp dụng khi bệnh nhân chỉ có đau mà không có thương tổn thần kinh. Các thủ thuật áp dụng ở vùng này sẽ khó khăn hơn nhiều so với vùng lưng vì tại vùng cổ có quá nhiều các cấu trúc quan trọng mà chỉ cần xâm phạm là có thể gây ra thảm họa.

Giảm áp đĩa đệm bằng laser qua da (PLDD) hoặc sóng radio cao tần được một số bác sĩ đề cao. Các phương pháp này có vài hiệu quả nhất định nhưng thường được chỉ định cho các trường hợp vẫn còn có thể bảo tồn. Đối với trường hợp đã có chỉ định mổ, nhất là khi khối thoát vị đã xé rách dây chằng dọc sau, các phương pháp này không được phép áp dụng vì có thể gây ra các biến chứng rất nặng nề.

Các phương pháp tiêm thấm, phong bế và giảm áp đĩa đệm chỉ dùng để giảm đau và được coi là một biện pháp điều trị bảo tồn, dùng để giảm đau và không triệt để.

Khi người bệnh đã có thương tổn thần kinh biểu hiện bằng yếu cơ, teo cơ, giảm hoặc mất cảm giác hoặc có thương tổn thần kinh biểu hiện trên điện cơ hoặc điện thế gợi, hoặc khi người bệnh đã có biểu hiện của bệnh lí tủy, điều trị ngoại khoa cần được xét đến.

Các phương pháp phẫu thuật nội soi tuy chưa hoàn hảo nhưng kết quả khá hơn phương pháp nêu trên. Nội soi có thể giúp lấy hết khối thoát vị đĩa đệm giải ép cho tủy và rễ thần kinh, nhưng nội soi không xử lí được vùng mổ sau khi lấy toàn bộ đĩa đệm và khối thoát vị. Hiện nay, một số nghiên cứu đang tập trung vào vấn đề này.

Vi phẫu thuật là biện pháp triệt để và hiệu quả nhất. Hiện nay, vi phẫu thuật được coi là tiêu chuẩn vàng cho điều trị phẫu thuật TVĐĐ cột sống cổ. Kĩ thuật mổ ACDF (Anterior Cervical Discectomy and Fusion - mổ lấy đĩa đệm, ghép xương cột sống cổ lối trước) là một kĩ thuật kinh điển tuy còn một số khiếm khuyết, như hạn chế vận động cổ sau mổ, gia tăng khả năng xuất hiện thêm các TVĐĐ ở các đĩa kế cận chỗ mổ... Thay đĩa đệm có khớp (cử động được) TDR (Total Disc Replacement) là một kĩ thuật không có gì khó khăn nhưng nó mang lại lợi ích rất cao, dù có một số chống chỉ định. Ngoài ra, chi phí rất cao để thay đĩa đệm động toàn phần là một trở ngại lớn.

Giống như ở cột sống thắt lưng tập luyện thể thao, sống trong môi trường trong sạch, thường xuyên vận động, tránh ngồi lâu một chỗ và đừng để cho mình trở thành béo phì sẽ giúp tránh được căn bệnh này.

Nguyễn Tuyết Anh

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Chủ đề được quan tâm

Bí quyết sống khỏe Bí quyết sống khỏe Thứ năm, 14:36:40 09/07/2020
Món ngon giữ lửa yêu Món ngon giữ lửa yêu Thứ năm, 14:35:24 09/07/2020
Bệnh trẻ em Bệnh trẻ em Thứ năm, 14:33:43 09/07/2020
Bệnh phụ nữ Bệnh phụ nữ Thứ năm, 14:32:00 09/07/2020
Bài thuốc hay Bài thuốc hay Thứ năm, 14:30:54 09/07/2020

Video nổi bật

Sản phẩm mới