Thuốc Nam cần làm gì để khẳng định lại thương hiệu?

Thứ tư, 06:49:13 28/11/2018
 “Bảo tồn tinh hoa và phát triển thương hiệu thuốc Nam” là một trong những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Vậy nhưng thực tế hiện nay, thuốc Nam đã bị lép vế trước sự lấn át của thuốc Tây và thuốc Bắc ngay tại thị trường Việt Nam. Bởi vậy, làm thế nào để phát triển thương hiệu và người dân ngày càng tin dùng thuốc Nam là vấn đề đang được quan tâm trong lĩnh vực phát triển ngành dược nước nhà.

Lép vế so với thuốc Tây và thuốc Bắc!

Theo TS. Trần Văn Ơn - Trưởng bộ môn Thực vật - Đại học Dược Hà Nội: Trước thời kỳ thực dân đô hộ, việc chữa bệnh, phòng bệnh của người dân ở các miền quê Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào thuốc Nam hoặc một số ít là thuốc Bắc, bởi lúc này chưa có thuốc Tây. Khi người Pháp mang thuốc Tây vào Việt Nam, tạo điều kiện cho thuốc Tây phát triển, thuốc Nam bị lép vế, lùi dần về các miền quê. Đến khi đất nước giải phóng, thuốc Nam được quan tâm và phát triển mạnh mẽ.  

Lúc này, hầu hết các trạm y tế đều có vườn thuốc Nam. Đến thời kỳ mở cửa, các doanh nghiệp (DN)dược Việt Nam lại lao đao vì thuốc Tây cùng với các hãng dược phẩm hùng mạnh. Họ là đại diện cho các nền khoa học tiên tiến, công nghệ hiện đại, lại có nguồn vốn lớn, công nghệ tiếp thị chuyên nghiệp đã tràn vào Việt Nam. Chỉ khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều DN Việt Nam mới trăn trở tìm ra hướng đi và vị thế để phát triển cây thuốc Nam.

Do chưa có sự quan tâm, đầu tư đúng mức nên hiện nay thuốc Nam vẫn chưa phát huy hết thế mạnh và có vị thế trong cộng đồng. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lợi - người làm nghề kinh doanh dược tại Hà Nội cho biết: Nhận thức của người dân chưa đúng tầm về mặt giá trị của thuốc Nam nên có hai xu hướng dùng thuốc Thứ nhất là xu hướng “sính” thuốc Tây. Thuốc Tây sử dụng đơn giản, dễ uống chứ không như thuốc Nam phải qua quá trình sắc, cô đặc, mùi vị khó uống, nên cứ có dấu hiệu đau nhức, muốn nhanh khỏi là người ta dùng thuốc Tây. Điều này không hẳn tốt vì họ không lường hết được tác dụng phụ của thuốc Tây. Xu hướng thứ hai là dùng thuốc Bắc nhưng không rõ nguồn gốc của dược liệu này, nên chất lượng không đảm bảo, khó kiểm chứng, giá thành lại cao trong khi các vị thuốc Nam sẵn có, giá thành rẻ hơn nhiều.

Cũng theo ông Lợi: Thống kê tại Việt Nam cho thấy, thuốc Nam hiện chỉ chiếm 5 - 10% thị trường, còn lại là thuốc Tây và thuốc Bắc. Thuốc Nam chiếm vị trí rất khiêm tốn, tập trung vào một số bệnh mạn tính cho người cao tuổi như: mất ngủ (dùng lá vông tâm sen), bệnh xương khớp huyết áp đái tháo đường đại tràng viêm xoang

Làm gì để phát triển thương hiệu thuốc Nam

Hiện nay, trên thế giới người dân tại nhiều quốc gia đang có xu hướng chuyển sang dùng thảo dược Ở Nhật Bản và Trung Quốc, việc sử dụng thuốc có nguồn gốc thảo dược trong phòng và trị bệnh lên tới 30 - 40%. Không nằm ngoài xu hướng này, thời gian gần đây ở Việt Nam cũng gia tăng một lượng đáng kể những người trẻ tuổi, nhân viên văn phòng đang dần chuyển sang dùng thảo dược chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe

Vậy làm sao để thuốc Nam có thể trở thành thế mạnh, thương hiệu lớn và ngày càng đáp ứng được sự tin dùng của người tiêu dùng là một vấn đề lớn, thu hút sự quan tâm không chỉ của các ban ngành chức năng mà còn của cả cộng đồng.

TTND Nguyễn Xuân Hướng - nguyên Chủ tịch TW Hội Đông y Việt Nam cho rằng: Trong giai đoạn công nghiệp hóa hiện nay một số xí nghiệp đã dùng thuốc Nam với phương pháp bào chế hiện đại, sản xuất những mặt hàng để phục vụ sức khỏe nhân dân. Một số địa phương đã trồng thuốc Nam theo kiểu công nghiệp, điều đó đáng hoan nghênh. Đông y, thuốc Nam cũng phải đi theo hướng đó. Nhưng công nghiệp hóa xin đừng làm mất tính đặc thù và bản sắc văn hóa dân tộc của thuốc Nam.

Theo TS. Trần Văn Ơn: Để phát triển cây thuốc Nam, có thể theo 3 cách. Thứ nhất dựa vào công nghệ tổng hợp hóa học (dùng các chất tinh khiết, tổng hợp bằng phản ứng). Thứ hai là phương pháp tổng hợp sinh học (với trang thiết bị kỹ thuật hiện đại) và thứ ba là dựa vào nguồn dược liệu vốn có trong thiên nhiên. Xét về thực tế thì con đường 1 và 2 khó thực hiện được ở thời điểm hiện nay, bởi trong lĩnh vực này chúng ta là nước chậm phát triển. Chúng ta còn đang “lò mò” trong khi các nước tiên tiến đang lặng lẽ phát triển các công nghệ tiên tiến, xanh và sạch ở chính quốc và chuyển các công nghệ lạc hậu hơn, ô nhiễm môi trường sang các nước đang phát triển.  

Vì vậy, chúng ta phải học hỏi, “đi tắt đón đầu”... nhưng cần có trọng điểm. Con đường thứ 3 - Sử dụng tài nguyên vốn có là phù hợp nhất với điều kiện Việt Nam trong giai đoạn hiện nay bởi chúng ta có thuận lợi là nằm ở vùng có nhiều nắng, cây cối phát triển quanh năm; chúng ta lại có bề dày truyền thống về sử dụng thuốc Nam một cách cơ bản và liên tục, không bị đứt quãng, cấm đoán, có chăng chỉ bị mai một trong một vài giai đoạn nào đó, nhưng ẩn chứa trong sâu thẳm ý thức, người dân Việt vẫn tin vào giá trị sử dụng của cây thuốc Nam...

Phạm Trung Hiếu

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Chủ đề được quan tâm

Bí quyết sống khỏe Bí quyết sống khỏe Thứ năm, 14:36:44 09/07/2020
Món ngon giữ lửa yêu Món ngon giữ lửa yêu Thứ năm, 14:35:26 09/07/2020
Bệnh trẻ em Bệnh trẻ em Thứ năm, 14:33:45 09/07/2020
Bệnh phụ nữ Bệnh phụ nữ Thứ năm, 14:31:55 09/07/2020
Bài thuốc hay Bài thuốc hay Thứ năm, 14:30:46 09/07/2020

Video nổi bật

Sản phẩm mới