Lo lắng vì căn bệnh HIV khiến nhiều người rối loạn tâm thần

Thứ bảy, 14:55:45 01/12/2018
Ám ảnh quá mức vì lo nhiễm HIV

Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương từng tiếp nhận chữa trị cho bệnh nhân Hoàng Văn Huy, kỹ sư viễn thông, quê ở Hưng Yên.

Bác sĩ Ngô Thanh Hồi, Giám đốc bệnh viện cho biết, trước đó, chỉ vì một lần quan hệ với gái mại dâm mà lúc nào anh Huy cũng bị ám ảnh vì nhiễm HIV. Khi cơ thể có bất kỳ sự thay đổi nào, anh Huy đều cho là bị nhiễm HIV.

Biểu hiện của HIV.

Về nhà, thấy vợ con giặt giũ cơm nước cho, anh lại sợ lây nhiễm cho vợ con. Đến cơ sở xét nghiệm, bác sĩ cho biết phải đợi đến 3 tháng mới có kết quả chính xác càng khiến anh Huy mắc chứng hoang tưởng, ảo giác mất ngủ kéo dài, kèm theo những suy nghĩ ám ảnh dày vò triền miên. Nhiều khi kích động, giận dữ la hét, có khi trầm cảm sững sờ không nói, không ăn...

Cũng vì ám ảnh quá mức về HIV, chị Nguyễn Thị Yến, quê ở Nam Định lúc nào cũng đòi chồng đưa đi xét nghiệm. Chị ngày càng trở nên lặng lẽ, không muốn nói chuyện với bất cứ ai, kể cả con cái.

Sức khỏe của chị giảm sút trầm trọng, người trở nên xanh xao, sống trầm lặng như một chiếc bóng trong nhà. Nhiều lúc chị lên cơn điên đập phá mọi thứ, lúc lại vui vẻ như trẻ con, dễ khóc lóc, hay quên.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bình, Chủ nhiệm Khoa xét nghiệm HIV, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đa số người nhiễm HIV trong giai đoạn đầu thường không có biểu hiện gì ra bên ngoài, rất khó để nhận biết dấu hiệu bệnh.

Một số trường hợp khi mới nhiễm HIV có thể sốt, nổi hạch, nổi ban đỏ trong 8 – 10 ngày rồi trở lại bình thường, nhưng biểu hiện này thường giống với các bệnh cảm cúm

Do vậy, cách duy nhất để biết có bị nhiễm HIV hay không là phải xét nghiệm (thử máu). Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi kết quả chính thức, những người nghi mình bị nhiễm HIV thường có nhiều chấn động tâm lý như: Sợ hãi, khủng hoảng, suy sụp tinh thần không muốn giao tiếp với bất kỳ ai, đứng ngồi không yên... Những chấn động này nếu quá nặng nề sẽ làm cho bệnh nhân dễ bị phát điên trầm cảm

Xóa bỏ kỳ thị - 'liều thuốc' tốt

Theo bác sĩ Ngô Thanh Hồi, số lượng bệnh nhân rối loạn tâm thần vì HIV ngày càng nhiều. Việc điều trị cho những bệnh nhân rối loạn tâm lý vì nhiễm HIV rất khó khăn.

Những người nghi mình bị nhiễm HIV phải chờ kết quả xét nghiệm một thời gian dài nên tâm lý hoang mang, lo sợ trước sự kỳ thị của mọi người khi biết mình bị nhiễm mới dẫn tới rối loạn tâm thần.

Họ sợ sự kỳ thị của xã hội, hạnh phúc đổ vỡ nên luôn xa lánh, tránh tiếp xúc với bên ngoài nên tuyệt vọng, thậm chí đòi tự sát Sự mặc cảm sẽ khiến họ giấu bệnh, không tham gia giao tiếp xã hội nên không tiếp cận được thông tin về cách bảo vệ mình và làm tăng nguy cơ lây cho người khác. Nhiều người nghi mình nhiễm bệnh nhưng không dám đi xét nghiệm và rất có thể trở thành nguồn lây.

Bác sĩ Hồi cho rằng, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS cần được phát hiện sớm để được tư vấn kịp thời, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng để phòng tránh tự sát và các hành vi nguy hiểm khác cho bản thân và người xung quanh.

Ngoài sự tư vấn của bác sĩ, bệnh nhân cần được sự động viên hỗ trợ của người cùng cảnh sẽ dễ thuyết phục bệnh nhân hơn. Tất cả mọi người hãy giảm thành kiến, gần gũi chia sẻ với họ, kết nối họ lại nhằm hỗ trợ tâm lý kịp thời giúp họ sớm phục hồi.

Hiện nay nước ta đã ứng dụng phương pháp xét nghiệm phân tử PCR cho kết quả xét nghiệm HIV sớm 4 - 5 ngày, thay vì phải chờ thời gian 'cửa sổ' đến 3 tháng. Phương pháp này rút ngắn thời gian, độ dương - âm tính giả rất thấp. Tuy nhiên, chi phí của phương pháp này rất cao nên vẫn chưa được thực hiện rộng rãi, mà chủ yếu được sử dụng trong việc sàng lọc máu và phát hiện lây nhiễm từ mẹ sang con.

Nếu bệnh nhân được chẩn đoán sớm bằng phương pháp này sẽ kiểm soát được sự lây nhiễm, hạn chế được những chấn động tâm lý cho người bệnh trong thời gian dài phải đợi kết quả.

Nguyễn Thị Thanh Loan

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Chủ đề được quan tâm

Bí quyết sống khỏe Bí quyết sống khỏe Thứ năm, 14:36:36 09/07/2020
Món ngon giữ lửa yêu Món ngon giữ lửa yêu Thứ năm, 14:35:23 09/07/2020
Bệnh trẻ em Bệnh trẻ em Thứ năm, 14:33:45 09/07/2020
Bệnh phụ nữ Bệnh phụ nữ Thứ năm, 14:31:56 09/07/2020
Bài thuốc hay Bài thuốc hay Thứ năm, 14:30:49 09/07/2020

Video nổi bật

Sản phẩm mới