Suy tim do stress nguyên nhân phổ biến ai cũng phải cảnh giác

Thứ Hai, 04:41:11 19/11/2018
Những áp lực của cuộc sống hàng ngày, được biết đến bằng cái tên thông dụng stress, luôn là nguyên nhân phát sinh của nhiều loại bệnh như trầm cảm, tăng huyết áp, đột quỵ…

Những áp lực của cuộc sống hàng ngày, được biết đến bằng cái tên thông dụng stress, luôn là nguyên nhân phát sinh của nhiều loại bệnh như trầm cảm, tăng huyết áp, đột quỵ… Chưa dừng lại ở đó, nhiều khi những cơn stress nặng và kéo dài còn có thể gây những bệnh lý nguy hiểm hơn như bệnh cơ tim, được biết đến với tên gọi bệnh cơ tim Takotsubo.

Vài nét về bệnh cơ tim Takotsubo

Bệnh cơ tim Takotsubo, hay còn gọi “Hội chứng phình mỏm tim thoáng qua”, “Bệnh cơ tim phình mỏm”, “Bệnh cơ tim do stress”, “Hội chứng Gebrochenes-Herz” là một loại bệnh thương tổn cơ tim không do thiếu máu được đặc trưng bởi một phần của cơ tim đột nhiên bị yếu đi với các kích thước khởi phát chủ yếu được cho là do stress (như mất người thân đột ngột, phá sản, các biến cố lớn xảy ra trong cuộc sống lo âu căng thẳng quá mức kéo dài...) và vì vậy còn được gọi là “Hội chứng tim tan vỡ - broken-heart syndrome”. Khi chụp buồng thất trái có cản quang, ở thì tâm thu (thời điểm cơ tim co lại) có hình ảnh mỏm thất trái giãn to nhưng thắt lại ở phần đáy, hình ảnh trông giống chiếc lọ bẫy bạch tuộc tại Nhật nên được gọi là Takotsubo.

Đi tìm nguyên nhân...

Hiện nay cơ chế gây bệnh Takotsubo vẫn chưa được hiểu biết đầy đủ. Tuy nhiên có một vài giả thiết đưa ra để lý giải căn nguyên gây bệnh như bất thường về giải phẫu nhánh xuống trước trái (left anterior descending artery-LAD) của động mạch vành trái - là động mạch nuôi thành trước tâm thất trái và mỏm tim; co thắt một số nhánh của động mạch vành dẫn đến thiếu máu cơ tim; dày giữa thành thất trái gây tắc nghẽn; do Parvovirus virus B19... và đặc biệt là trong tất cả các trường hợp có sự đáp ứng bất thường của cơ tim đối với các chất catecholamines (adrenaline, noradrenaline) được giải phóng ra nhiều khi bị stress

Bệnh cơ tim Takosubo gặp với tần suất từ 1,2-2,2% dân số tại Nhật Bản và 2-3% ở các nước phương Tây. Bệnh cũng chiếm 90% ở nữ, đặc biệt là nữ trên 50 tuổi và tập trung chủ yếu ở nhóm 58-75. Lứa tuổi dưới 50 chỉ chiếm khoảng 3% số bệnh nhân.

Năm 1980, những ca Takosubo đầu tiên đã được mô tả dưới chẩn đoán bệnh lý suy tim sau stress. Tiếp theo, loại hình bệnh lý này lần lượt được phát hiện ở nhiều quốc gia khác và năm 2001, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã chính thức đưa ra tên gọi phổ biến cho tới nay: Hội chứng phình mỏm tim thoáng qua hay Hội chứng phình mỏm thất trái thoáng qua (hội chứng đã được mô tả và đăng tải tại tạp chí New England Journal of Medicine năm 2005).

Biểu hiện của bệnh cơ tim Takotsubo

Biểu hiện đặc trưng của bệnh cơ tim Takotsubo là các triệu chứng suy tim khởi phát đột ngột cộng với các dấu hiệu của điện tim giống như nhồi máu cơ tim thành trước. Bệnh nhân đột nhiên thấy đau ngực trái nhịp tim nhanh đánh trống ngực khó thở khi gắng sức.

Các triệu chứng này cộng với hình ảnh điện tim và xét nghiệm có tăng nhẹ một số chất như CKMB, Troponin I... khiến cho bệnh cảnh lâm sàng giống như nhồi máu cơ tim cấp. Chẩn đoán xác định bệnh dựa vào siêu âm tim hoặc chụp buồng thất trái tim có cản quang sẽ thấy hình ảnh đặc trưng của bệnh Takosubo.

Điều trị và dự phòng

Bệnh cơ tim Takotsubo khi xảy ra phải được theo dõi tại các cơ sở y tế đáng tin cậy. Điều trị bệnh bao gồm các phương pháp điều trị suy tim nói chung, theo dõi và xử trí các loạn nhịp tim nếu có.

Việc phòng bệnh, không có dự phòng đặc biệt nào ngoài các biện pháp như tránh các stress thể chất hoặc tinh thần điều trị tốt các bệnh lý sẵn có: hen phế quản tiểu đường bệnh phổi mạn tính, bỏ rượu thuốc lá thay đổi lối sống theo hướng tích cực...

Tiên lượng bệnh cơ tim Takotsubo tương đối tốt. Đại đa số các ca hồi phục nhanh sau vài ngày, vài tuần điều trị mà không để lại di chứng gì đặc biệt.

Nguyễn Lương

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Chủ đề được quan tâm

Bí quyết sống khỏe Bí quyết sống khỏe Thứ năm, 14:36:37 09/07/2020
Món ngon giữ lửa yêu Món ngon giữ lửa yêu Thứ năm, 14:35:18 09/07/2020
Bệnh trẻ em Bệnh trẻ em Thứ năm, 14:33:43 09/07/2020
Bệnh phụ nữ Bệnh phụ nữ Thứ năm, 14:31:57 09/07/2020
Bài thuốc hay Bài thuốc hay Thứ năm, 14:30:48 09/07/2020

Video nổi bật

Sản phẩm mới