Phòng và điều trị rối loạn tiền đình bằng những cách đơn giản nhất

Thứ năm, 17:45:11 22/11/2018
Rối loạn tiền đình (RLTĐ) có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng với người cao niên chiếm tỉ lệ nhiều hơn. RLTĐ có thể xảy ra thoáng qua nhưng có khi lặp đi, lặp lại nhiều lần.

Tiền đình là một hệ thống thuộc hệ thần kinh nằm ở phía sau hai bên của ốc tai. Vai trò quan trọng là duy trì tư thế, dáng bộ, phối hợp cử động mắt, đầu và thân mình. Ở đây, các tín hiệu âm thanh được chuyển từ dạng cơ học sang dạng xung thần kinh để dẫn truyền theo dây thần kinh thính giác (dây số 8) truyền về não.

Nguyên nhân

Tiền đình có nhiệm vụ chính là giữ thăng bằng cho cơ thể, vì vậy, khi di chuyển, cúi, xoay... hệ thống tiền đình cũng sẽ nghiêng lắc theo các động tác này của cơ thể nhằm giúp cơ thể có tư thế thăng bằng. Tiền đình được điều khiển bởi các nhóm thần kinh cao cấp nằm trong não bộ. Vì vậy, những rối loạn có liên quan đến thăng bằng là xuất phát từ hệ thần kinh nắm sau ốc

tai. Nguyên nhân thường gặp dẫn đến RLTĐ là do virút gây viêm thần kinh sọ não (dây số 8) hoặc thoái hóa một trong các cơ quan của hệ tiền đình hoặc do viêm tai giữa chấn thương mê lộ hoặc do nghẽn tắc động mạch tiền đình, co thắt động mạch cột sống hoặc do thoái hóa cột sống cổ ảnh hưởng đến động mạch thân nền.

RLTĐ có thể do rối loạn tuần hoàn não bởi bệnh huyết áp (tăng hoặc huyết áp thấp), làm cho lượng máu đi lên não thiếu. Ngoài ra có một số yếu tố nguy cơ như: thường xuyên sống trong môi trường quá nhiều tiếng ồn, thời tiết chuyển mùa, nhiễm độc thức ăn (hóa chất độc tố của vi sinh vật), người ngồi một chỗ nhiều giờ kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, người ít hoặc lười vận động, nghiện rượu bia căng thẳng thần kinh…

Biểu hiện của bệnh

Người bị RLTĐ thường xuyên bị chóng mặt quay cuồng, hoa mắt ù tai buồn nôn Bệnh thường xảy ra lúc nửa đêm, gần sáng hoặc lạnh nóng đột ngột (đang ở trong phòng máy lạnh, đi ra ngoài gặp khí nóng).

Thường có 2 thể bệnh RLTĐ, đó là RLTĐ ngoại biên, bệnh biểu hiện chóng mặt khi thay đổi tư thế, đây là dạng bệnh lành tính, chỉ làm cho người bệnh khó chịu trong sinh hoạt. Trường hợp bệnh nặng, người bệnh không thể đi đứng được, cơn chóng mặt thường kèm theo nôn ói rất nhiều và nôn kéo dài ù tai giảm thính lực nặng đầu, khó tập trung.

Thể bệnh thứ 2 là RLTĐ trung ương với những biểu hiện của tình trạng thiểu năng tuần hoàn não người bệnh đi đứng khó khăn, khi thay đổi tư thế bị choáng váng chóng mặt, thỉnh thoảng kèm theo nôn ói. RLTĐ trung ương là do có sự tổn thương nhân tiền đình, tổn thương đường liên hệ của các nhân dây tiền đình ở thân não, tiểu não mà nguyên nhân có thể là do xơ mỡ động mạch làm hạn chế máu đến nuôi não bộ. Bệnh thường xảy ra lúc nửa đêm gần sáng, khi tỉnh dậy không ngồi lên được bởi hoa mắt, chóng mặt buồn nôn và có thể nôn. Người bệnh lảo đảo, choáng váng, mất thăng bằng nhất là khi thay đổi tư thế (từ nằm ngửa chuyển sang nằm nghiêng, hoặc ngược lại), nếu cố dậy để đi có thể bị ngã hoặc dúi dụi xuống đất gây chấn thương. Nếu nhẹ thì thoáng qua nhưng nếu nặng thì không thể thay đổi tư thế được và nôn. Vì vậy, khi lên cơn RLTĐ, người bệnh nên chọn tư thế nằm thích hợp (nghiêng trái hay nghiêng bên phải hoặc nằm ngửa), tránh thay đổi tư thế và nên tránh ánh sáng chói chang (ánh sáng mặt trời, ánh sáng đèn) hoặc tiếng động, ồn ào…

Để xác định chính xác RLTĐ, người bệnh cần đi khám bệnh, tốt nhất là chuyên khoa tai, mũi, họng và thần kinh. Tại đây sẽ được đo điện não đồ hoặc làm các xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang, CT-Scanner hoặc phải sử dụng cộng hưởng từ (MRI), xét nghiệm mỡ máu để tìm nguyên nhân gây bệnh. 

Nguyên tắc điều trị và phòng bệnh

Khi nghi ngờ bị bệnh RLTĐ, nên đi khám ở cơ sở y tế có đầy đủ tiện nghi tốt nhất để biết được nguyên nhân gây RLTĐ. Trên cơ sở đó có hướng điều trị thích hợp (điều trị nguyên nhân và điều trị triệu chứng) và có hướng phòng bệnh hữu hiệu (phòng bệnh để không mắc bệnh rối loạn tiền đình hoặc đã mắc bệnh RLTĐ rồi, làm cho tần suất xuất hiện giảm dần đi và hy vọng sẽ khômg tái diễn). Người bệnh cần tuân thủ điều trị theo đơn thuốc của bác sĩ khám bệnh cho mình, đặc biệt là các loại thuốc điều trị nguyên nhân. Thuốc tây y dùng để điều trị bệnh rối loạn tiền đình hiện nay rất đa dạng. Tuy vậy, dùng thuốc gì để điều trị cho có hiệu quả là việc làm của bác sĩ, người trực tiếp khám bệnh cho mình.

Ngoài việc dùng thuốc người bị RLTĐ cần tập luyện thường xuyên, nhẹ nhàng đối với đốt sống cổ nhằm làm cho khí huyết lưu thông, không thiếu máu đi lên não, nhưng phải đúng động tác. Tốt nhất là đi bộ mỗi ngày khoảng 60 phút chia làm 2- 3 lần. Tuy vậy, không nên đi bộ vào lúc tiết trời trở lạnh hoặc nắng. Tránh ngồi quá lâu một vị trí (trước máy tính, TV, đọc sách, báo,…).

Việc ăn, uống cần kiêng khem đúng mức, không kiêng khem thái quá gây suy dinh dưỡng như bệnh rối loạn mỡ máu xơ vữa động mạch bệnh huyết áp Người cao niên không nên lạm dụng rượu bia và cần uống đủ lượng nước hàng ngày. Trong trường hợp người cao niên chóng mặt kèm theo nhức đầu đột ngột, sốt cao, mờ mắt, không nhìn rõ sự vật hoặc nhìn đôi (thấy 1 thành 2), mất thị lực, giảm thính giác, nên đi bệnh viện khám ngay.

Quách Hồng Hạnh

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Chủ đề được quan tâm

Bí quyết sống khỏe Bí quyết sống khỏe Thứ năm, 14:36:43 09/07/2020
Món ngon giữ lửa yêu Món ngon giữ lửa yêu Thứ năm, 14:35:24 09/07/2020
Bệnh trẻ em Bệnh trẻ em Thứ năm, 14:33:47 09/07/2020
Bệnh phụ nữ Bệnh phụ nữ Thứ năm, 14:32:01 09/07/2020
Bài thuốc hay Bài thuốc hay Thứ năm, 14:30:48 09/07/2020

Video nổi bật

Sản phẩm mới