Phòng tránh bệnh huyết áp thấp, ban đỏ trong mùa nóng

Thứ tư, 09:05:06 05/09/2018
Mùa hè nắng nóng, khi phải lao động, học tập hay tham gia một công việc ngoài trời nắng chúng ta cần phải có sự chuẩn bị để tránh cho cơ thể khỏi bị ảnh hưởng của nắng nóng lâu sẽ rất nguy hiểm. Bởi vì khi sự điều hòa thân nhiệt của cơ thể không thích ứng kịp với sự thay đổi nhanh và tăng cao của nhiệt độ môi trường có thể xảy ra tử vong.

Cơ thể có khả năng điều hoà thân nhiệt ở một giới hạn nhất định để thích ứng với môi trường xung quanh. Khả năng này ở mỗi người khác nhau, người trưởng thành khỏe mạnh có sức chịu đựng tốt nhất, trái lại người cao tuổi và trẻ em sức chịu đựng kém hơn nhiều và dễ gặp nguy hiểm khi nhiễm nắng nóng.

Khả năng điều hòa thân nhiệt của cơ thể

Để điều hòa thân nhiệt cơ thể có thể sinh nhiệt hoặc giảm nhiệt. Nhiệt độ của cơ thể được sinh ra trong các hoạt động: tiêu hóa thức ăn, chuyển hóa các chất dinh dưỡng dưới tác dụng của các chất nội tiết tố thyroxin của tuyến giáp adrenalin của tuyến thượng thận khi vận động cơ bắp sinh nhiều nhiệt do có sự gia tăng các phản ứng sinh hóa ở tế bào cơ vân.

Trong trạng thái nghỉ ngơi, các cơ quan nội tạng não, cơ bắp sinh nhiệt do quá trình chuyển hoá các chất. Cơ thể thải nhiệt nhờ các hoạt động: truyền nhiệt từ cơ thể ra môi trường như tắm nước lạnh, quạt điện, ở trong phòng có máy điều hòa không khí; bài tiết mồ hôi để quá trình bay hơi của mồ hôi thoát nhiệt cho cơ thể; thoát nhiệt qua hơi thở, qua sự bài tiết.

Phản ứng của cơ thể khi gặp nắng nóng

Khi chịu tác động của nắng nóng, cơ thể sẽ có các phản ứng để giảm thân nhiệt như: dãn nở mạch máu để máu dồn nhiều tới da từ đó mà thoát nhiệt; tuyến mồ hôi hoạt động mạnh, tiết ra nhiều mồ hôi tăng bay hơi mồ hôi để hạ nhiệt; Có các yếu tố làm gia tăng nhiệt độ cơ thể trong môi trường nắng nóng như: sự vận động của các bắp thịt, do lao động, chạy nhảy..., người cao tuổi, người béo phì khát nước người có bệnh tim mạch, mặc quần áo dày, chật khó tỏa nhiệt. Khi mọi nỗ lực của cơ thể mà vẫn không giảm được sức nóng do môi trường tác động, trong cơ thể sẽ diễn ra những biến đổi sinh hoá trầm trọng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe

Mắc bệnh do nắng nóng

Khi bị nhiễm nắng nóng trong một thời gian vượt sức chịu đựng của cơ thể, chúng ta có thể bị các chứng bệnh như sau:

- Cảm nắng: Bệnh xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với nắng nóng quá lâu mà sự điều hòa thân nhiệt không kết quả làm cơ thể bị nhiễm nóng. Biểu hiện của cảm nắng gồm các triệu chứng: đổ mồ hôi rất nhiều thân nhiệt tăng cao tới 40- 41oC, da nóng đỏ và khô khó thở tim đập nhanh huyết áp thấp bệnh nhân hốt hoảng, có ảo giác nghe nhìn các sự việc không có thật. Nếu nặng có thể tổn thương não bộ, động kinh liệt nửa người hôn mê hoặc tử vong Trước khi đến bệnh viện phải tiến hành sơ cứu cho bệnh nhân như sau: làm hạ thân nhiệt bằng cách chuyển ngay bệnh nhân vào chỗ râm mát, quạt mát cho bệnh nhân, cởi bỏ quần áo để hạ nhiệt; dùng khăn thấm nước lạnh lau người; cho uống nước lạnh; lưu ý không nên cho uống thuốc hạ nhiệt vì thuốc có thể làm tổn thương gan

- Suy kiệt: Do nắng nóng làm cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi dẫn đến bị mất nước mất muối. Lao động chân tay tập luyện nặng lâu ngoài nắng, trong khi lại không uống nước đầy đủ rất dễ dẫn đến bị kiệt sức vì nắng nóng. Muốn phòng tránh cần uống nhiều nước có muối, tốt nhất là pha dung dịch oresol để uống phòng mất nước và mất muối; tránh làm việc, hay hoạt động lâu ngoài trời nắng.

- Ngất: Khi nhiệt độ cơ thể tăng cao, mạch máu ngoại biên dãn nở làm tăng lượng máu ở da, nhưng giảm lượng máu lên não và gây ngất; mặt khác khi cơ thể tiết nhiều mồ hôi dẫn đến thiếu nước, giảm khối lượng tuần hoàn. Để phòng ngất cần tránh ở ngoài trời nắng quá lâu; khi cảm thấy mệt nên chuyển ngay vào chỗ có bóng mát để nghỉ; luôn uống đủ nước.

- Bỏng nắng, ban đỏ: Nếu da bị nắng lâu, sẽ mần đỏ và ngứa do tuyến mồ hôi bị nghẹt tắc, nở to và vỡ ra tạo thành những mụn nước nhỏ trên mặt da hoặc nặng hơn thì bị viêm da Muốn phòng tránh, nên mặc quần dài rộng, áo dài tay; không để da bị chiếu nắng lâu.

- Chuột rút: có thể xảy ra khi lao động, cử động mạnh ngoài nắng bị đổ nhiều mồ hôi, bị mất muối và nước. Các bắp cơ lớn như bắp chân, đùi có thể bị co rút gây ra đau nhức không cử động được. Để tránh chuột rút cần uống nước có pha muối như oresol trong thời gian làm việc.

Phòng tránh bệnh do nắng

Để phòng tránh những tác hại do nắng nóng gây ra cần thực hiện tốt các biện pháp sau đây: Khi cần phải làm việc ngoài trời nắng thì trước đó vài ngày nên có thời gian ra nắng để cơ thể quen dần với tác động của nắng nóng; uống nhiều nước pha muối (oresol) khi làm việc ở ngoài nắng; tránh làm việc quá sức ở ngoài trời nắng; khi cảm thấy có triệu chứng khó chịu, ngừng ngay công việc và vào chỗ bóng mát nghỉ ngơi; mặc quần áo dài, đội mũ, nón rộng vành khi làm việc ngoài nắng; nếu phải thường xuyên làm việc ngoài nắng thì cứ một khoảng thời gian lại giải lao, vào bóng mát nghỉ ngơi, uống nước cho sức khỏe bình phục hãy trở lại làm việc; tránh uống nhiều cà phê rượu sẽ gây lợi tiểu làm cơ thể nhanh mất nước.

Tạ Thị Dung

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Chủ đề được quan tâm

Bí quyết sống khỏe Bí quyết sống khỏe Thứ năm, 14:36:40 09/07/2020
Món ngon giữ lửa yêu Món ngon giữ lửa yêu Thứ năm, 14:35:26 09/07/2020
Bệnh trẻ em Bệnh trẻ em Thứ năm, 14:33:42 09/07/2020
Bệnh phụ nữ Bệnh phụ nữ Thứ năm, 14:31:53 09/07/2020
Bài thuốc hay Bài thuốc hay Thứ năm, 14:30:49 09/07/2020

Video nổi bật

Sản phẩm mới