Những điều ít biết về gây mê hồi sức trong nền y học

Thứ năm, 09:10:05 14/02/2019
Không đơn giản chỉ là khoa học, gây mê hồi sức (GMHS) còn là lĩnh vực y học mang “giai điệu, âm hưởng” của nghệ thuật. Thượng đế sáng tạo ra con người với muôn vàn những điều kỳ diệu nhất thì sức mạnh đặc biệt của y học cũng có được từ khi gây mê hồi sức bắt đầu xuất hiện. Cuộc hành trình ấn tượng của “những người phải thức để đảm bảo an toàn cho những người phải ngủ” là cuộc hành trình của những sáng tạo bất tận.

Sự kỳ diệu bắt đầu

Trong một thời gian dài, từ phương Đông đến phương Tây, phẫu thuật là nỗi kinh hoàng cho người bệnh vì chưa có gây mê hồi sức. Ngày 16/10/1846 trở thành ngày lịch sử của ngành GMHS và ngoại khoa khi ca phẫu thuật cắt bỏ u xương hàm được thực hiện thành công tại khu phẫu thuật của Đại học Harvard trước sự chứng kiến của quan khách và công chúng. Lần đầu tiên bệnh nhân đã được gây mê hoàn toàn bằng khí Ether, không phải chịu đau đớn và tỉnh dậy một cách bình thường.

Người đi vào lịch sử chính là bác sĩ William T.G. Morton sau nhiều nghiên cứu sử dụng Ether của ông trên động vật. Ngay lập tức, sự kiện này được đăng tải trên trang nhất của tờ báo danh tiếng “Nội và Ngoại khoa Boston” và nhanh chóng lan đi toàn thế giới như một điều kỳ diệu của y học trong sự hân hoan, hy vọng của cả các thầy thuốc và người bệnh.

Bác sĩ gây mê hồi sức cùng kíp mổ trong ca phẫu thuật.

Bác sĩ gây mê hồi sức cùng kíp mổ trong ca phẫu thuật.

Cuộc hành trình vĩ đại của những sáng tạo đột phá

Cùng với sự phát triển của nhiều ngành khoa học, thế kỷ 20 là cuộc hành trình vĩ đại của GMHS với hàng loạt thuốc gây mê mới được tổng hợp và sử dụng. Những thuốc này cho phép người bệnh ngủ nhanh, sâu nhưng lại có thể tỉnh dậy nhanh chóng và êm dịu, ít phải chịu các tác dụng phụ, các phiền nạn của thuốc Cùng với các thuốc mê, các thuốc giảm đau dòng họ moocphin thuốc giãn cơ cũng được phát hiện và tổng hợp để tạo nên một cuộc gây mê hoàn chỉnh hay gây mê cân bằng với cả 3 loại thuốc (thuốc mê, thuốc giảm đau thuốc giãn cơ), đảm bảo cho người bệnh không biết và không nhớ các hoạt động của cuộc phẫu thuật, không đau dù phẫu thuật lớn thế nào trong khi các cơ được giãn hoàn toàn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thao tác của người phẫu thuật.

Bên cạnh những bước ngoặt về thuốc, hàng loạt các phương tiện, kỹ thuật đã được nghiên cứu và đưa vào sử dụng trong thế kỷ 20 như dụng cụ kiểm soát đường thở (ống NKQ), máy gây mê, máy thở, máy theo dõi các chức năng sống, máy thay thế tim-phổi, các dụng cụ gây tê tủy sống ngoài màng cứng gây tê đám rối thần kinh, mask thanh quản chống đau do bệnh nhân tự kiểm soát (PCA), máy gây mê theo nồng độ đích (TCI)... Nhờ tất cả những tiến bộ này, gây mê hồi sức ngày nay có thể đảm bảo an toàn cho một giấc ngủ không đau đớn, từ những can thiệp nhỏ như nhổ răng nội soi tiêu hóa nắn trật xương khớp đến mọi cuộc đại phẫu thuật phức tạp, ở mọi cơ quan, với mọi lứa tuổi, với thời gian phẫu thuật kéo dài hàng giờ, thậm chí hàng chục giờ. 

“Có những người phải thức để bảo đảm an toàn cho những người phải ngủ”

Không ít người trong chúng ta còn hiểu đơn giản gây mê hồi sức là làm cho bệnh nhân ngủ sâu và không đau, nhưng sự thật thì khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều. Trong suốt thời gian phẫu thuật, người gây mê hồi sức phải điều khiển máy móc và phương tiện để thay thế chức năng hô hấp của người bệnh vì bệnh nhân hoàn toàn ngừng thở hoặc thay thế chức năng tuần hoàn như trường hợp phải làm ngừng tim trong phẫu thuật tim và đối phó với hàng loạt các rối loạn khác của người bệnh như chảy máu rối loạn huyết động rối loạn đông máu hạ nhiệt độ, rối loạn kiềm toan...

Sau gây mê còn là giai đoạn hồi sức phức tạp. Hồi sức nhằm tiếp tục sửa chữa các rối loạn, thiếu hụt do cuộc phẫu thuật gây nên, đưa các chức năng sống của người bệnh trở về bình thường, thoát ra khỏi sự thay thế và hỗ trợ của máy móc. Gây mê và hồi sức luôn đi cùng nhau, có trong nhau trong suốt cuộc phẫu thuật, đặc biệt trong các phẫu thuật lớn hoặc trên các bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân nặng hoặc có nhiều bệnh phối hợp.

Bệnh nhân cao tuổi điều trị tại Khoa gây mê hồi sức.

Bệnh nhân cao tuổi điều trị tại Khoa gây mê hồi sức.

Khoa học không có điểm dừng và nghệ thuật không ngừng sáng tạo

GMHS ngày nay không chỉ đảm bảo bệnh nhân an toàn trong và sau phẫu thuật mà còn phát hiện, sửa chữa và điều chỉnh các rối loạn trước phẫu thuật, đảm bảo điều kiện tối ưu cho cuộc phẫu thuật cũng như tiến hành chống đau hiệu quả đối với cả trường hợp đau cấp và mạn tính. Cùng với ngoại khoa nói chung, tiến bộ của GMHS đã cho phép đa số các trường hợp được phẫu thuật ngoại trú ở nhiều nước, bệnh nhân được phẫu thuật và về nhà trong ngày, mang lại nhiều lợi ích đối với y tế và xã hội. Ngoài ra, hoạt động GMHS cũng không thể thiếu trong cấp cứu ngoại khoa, đặc biệt là cấp cứu chấn thương. Tại nhiều nước phát triển, người GMHS có vai trò quyết định trong khi cấp cứu các bệnh nhân này.

Trong y học, GMHS là một trong những ngành được coi là của cả khoa học và nghệ thuật. Khoa học sẽ không bao giờ có điểm dừng và nghệ thuật cũng không ngừng sáng tạo... Cùng với ngoại khoa nói chung và các lĩnh vực y học khác, GMHS sẽ còn làm nên nhiều điều kỳ diệu trong y học, thậm chí có những điều chưa có trong suy nghĩ của chúng ta hôm nay. 

Hoàng Thu Thảo

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Chủ đề được quan tâm

Bí quyết sống khỏe Bí quyết sống khỏe Thứ năm, 14:36:38 09/07/2020
Món ngon giữ lửa yêu Món ngon giữ lửa yêu Thứ năm, 14:35:19 09/07/2020
Bệnh trẻ em Bệnh trẻ em Thứ năm, 14:33:41 09/07/2020
Bệnh phụ nữ Bệnh phụ nữ Thứ năm, 14:31:54 09/07/2020
Bài thuốc hay Bài thuốc hay Thứ năm, 14:30:52 09/07/2020

Video nổi bật

Sản phẩm mới