Lưu ý khi bị hở van tim 3 lá đảm bảo an toàn sức khỏe tuyệt đối

Thứ Ba, 14:52:05 24/07/2018
Để điều trị, trước tiên bạn cần phải nghỉ ngơi, ăn uống bồi dưỡng sức khỏe, tập thể dục đều đặn,...

Câu hỏi 1: Thưa Bác sĩ! Vợ tôi năm nay 30 tuổi, lúc mang thai vợ tôi hay bị tức ngực và khó thở. Tôi đã đưa vợ đi khám và Bác sĩ cho biết vợ tôi bị tim hở ba lá cấp độ rất nhẹ, giờ vợ tôi đã sinh em bé được hơn 2 năm rồi nhưng thỉnh thoảng vẫn bị khó thở. Xin hỏi Bác sĩ vợ tôi phải điều trị ra sao. Xin cảm ơn Bác sĩ!

BS. Nguyễn Thị Vân, Bộ Y tế, trả lời:

Chào bạn,

Van tim 3 lá, là van tim thông giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải và làm nhiệm vụ giúp máu chỉ lưu thông một chiều khi mở và giúp máu không chảy ngược lại khi đóng. Vì vậy, khi van tim 3 lá bị hở, máu sẽ phụt ngược trở lại (gây ứ ở tim), tim phải làm việc nhiều hơn để đẩy thêm cả lượng máu ứ đó đi, lâu dần sẽ bị suy tim Tùy theo mức độ hở nặng hay nhẹ mà ảnh hưởng đến chức năng tim khác nhau.

Hở van tim được chia thành 4 mức độ: 1/4 là hở nhẹ, 2/4 là hở trung bình, 3/4 là hở nặng và 4/4 là hở rất nặng.

Vợ bạn được chẩn đoán là hở van 3 lá mức độ nhẹ lúc mang thai và hiện tại đã được 2 năm, thỉnh thoảng bị khó thở thì nên đi khám chuyên khoa tim mạch lại, điện tâm đồ để được siêu âm tim đánh giá và tư vấn cần can thiệp hay tiếp tục theo dõi...

Quyết định tình trạng hở van tim có cần điều trị hay không bác sĩ tim mạch không chỉ dựa vào mức độ hở mà còn căn cứ vào triệu chứng của người bệnh (mức độ khó thở, mệt) sự tiến triển của hở van, mức độ bị ảnh hưởng của tim, chức năng tim (tim có giãn chưa, tim bóp còn tốt không).

Nếu bác sĩ chẩn đoán vợ bạn bị ở mức độ bệnh còn nhẹ không quá nguy hiểm thì vợ bạn chỉ cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống và sinh hoạt của mình.

Tránh lao động quá sức ăn uống ít mặn (vì muối giữ nước làm tăng gánh nặng cho cơ tim), và có thể dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe

Còn nếu ở mức độ nặng, đã có dấu hiệu của suy tim thì cần có chế độ điều trị chặt chẽ hơn như dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tim mạch ăn nhạt, tránh lao động gắng sức, sinh hoạt điều độ, tránh mọi cảm xúc đột ngột…

Ngoài ra, có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật chữa hở van tim hoặc thay bằng van nhân tạo nếu bệnh quá nặng mà không điều trị được.

Bị hở van tim, vợ bạn cần lưu ý một số điều sau: 

- Kiểm tra huyết áp thường xuyên và điều trị tăng huyết áp (nếu có) vì huyết áp cao làm tim phải gắng sức nhiều hơn.

- Ăn nhạt, ăn ít muối làm giảm việc giữ nước của cơ thể, tránh cho tim phải gắng sức và không làm tăng huyết áp Ăn thức ăn ít chất béo và kiểm tra nồng độ mỡ trong máu thường xuyên để phòng ngừa bệnh mạch vànhbệnh mạch vành ảnh hưởng tới cơ tim, đưa đến tăng mức độ hở van tim.

- Không sử dụng chất kích thích: Các chất kích thích như bia rượu thuốc lá cà phê sẽ khiến tình trạng rối loạn nhịp tim xảy ra và ảnh hưởng đến tình trạng hở van tim.

- Tránh để quá cân vì tình trạng quá cân là một gánh nặng cho tim khi co bóp.

- tập thể dục mỗi ngày. Sinh hoạt điều độ, tránh hoạt động gắng sức.

Chúc gia đình bạn sức khỏe!

Câu hỏi 2: Cháu năm nay 24 tuổi. Bình thường cháu rất khỏe mạnh nhưng từ khi sinh em bé xong, cháu hay bị tụt huyết áp, đau nửa đầu trên. Dạo gần đây tình trạng ấy xảy ra thường xuyên hơn. Cháu ngồi một chỗ mà mồ hôi trộm cứ túa ra, chân tay bủn rủn, thi thoảng có hiện tượng buồn nôn. Cháu đi khám thì các Bác sĩ bảo cháu bị hở van tim cấp độ nhẹ.

Cháu thấy khó thở, tức ngực lắm. Bác sĩ cho cháu hỏi, có loại thuốc nào tốt cho cháu không. Bệnh của cháu có thể chữa khỏi được ko ạ? Cháu cảm ơn các Bác sĩ nhiều!

ThS. Vũ Thị Tuyết Mai, Bộ Y tế, trả lời:

Chào bạn,

Van tim của con người giống như van một chiều trong hệ thống máy bơm, giúp máu lưu thông theo một chiều, máu từ tĩnh mạch về tim và từ tim đi ra động mạch mà không thể theo chiều ngược lại.

Hở van tim là tình trạng van tim đóng không kín làm dòng máu trào ngược lại buồng tim, do vậy tim phải co bóp nhiều hơn, lâu dần dẫn đến suy tim và có thể gây tử vong

Hiện nay, bệnh hở van tim được chia 4 mức độ hở là 1/4, 2/4, 3/4 và 4/4. Nếu chỉ hở từ 2/4 trở xuống thì mức độ không quá nghiêm trọng, tuy nhiên phải tái khám và theo dõi định kỳ, đề phòng biến chứng.

Nếu hở từ 3/4 trở lên thì mức độ khá nghiêm trọng, phải điều trị tích cực cũng như áp dụng các phương pháp hỗ trợ một cách tối ưu nhất hoặc mổ để sửa chữa, thay van tim Các triệu chứng điển hình nhất của hở van tim vẫn là đau ngực khó thở mệt mỏi đau đầu chóng mặt…

Trường hợp của bạn chỉ hở van tim mức độ nhẹ tức là dưới 2/4 trở xuống theo như bác sỹ khám cho bạn, nhưng triệu chứng lâm sàng như bạn mô tả thì có vẻ nặng hơn. Biểu hiện này lại xuất hiện từ sau khi bạn sinh em bé. Có thể vì sau sinh sức khỏe của bạn bị giảm sút, chưa phục hồi hoặc có tình trạng hậu sản kết hợp với bệnh van tim của bạn làm cho tình trạng nặng hơn.

Hở van tim có thể gây thiếu máu cơ tim làm cho bạn thường xuyên bị đau thắt ngực, khó thở, hoa mắt chóng mặt  

Để điều trị, trước tiên bạn cần phải nghỉ ngơi, ăn uống bồi dưỡng sức khỏe. Bạn cũng cần khám và tư vấn bác sĩ tim mạch ngay.

Dùng thuốc cũng như cân nhắc chỉ định phẫu thuât sửa van phải hoàn toàn do bác sĩ quyết định.

Hiên nay với tiến bộ của y học, bệnh lý hở van tim đã được cải thiện rất nhiều như phương pháp mổ nội soi đã được áp dụng nhằm giúp bệnh nhân sau phẫu thuật có thể bình phục nhanh hơn so với mổ hở. 

Chúc cháu khỏe mạnh!

Nguyễn Lương

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Chủ đề được quan tâm

Bí quyết sống khỏe Bí quyết sống khỏe Thứ năm, 14:36:41 09/07/2020
Món ngon giữ lửa yêu Món ngon giữ lửa yêu Thứ năm, 14:35:20 09/07/2020
Bệnh trẻ em Bệnh trẻ em Thứ năm, 14:33:47 09/07/2020
Bệnh phụ nữ Bệnh phụ nữ Thứ năm, 14:31:56 09/07/2020
Bài thuốc hay Bài thuốc hay Thứ năm, 14:30:51 09/07/2020

Video nổi bật

Sản phẩm mới