Doping máu trong thể thao: Những điều chưa biết đến

Thứ bảy, 14:05:04 16/02/2019
Chúng ta có thể đã nghe rất nhiều đến doping trong đó có doping máu. Vậy doping máu là gì? Nó có tác dụng thế nào? Và tại sao sử dụng chính máu của bản thân để tiêm vào người chúng ta lại bị cấm?

Doping là gì?

Theo Ủy ban Olympic châu Âu: Doping là việc sử dụng những chất và những phương pháp nhằm làm tăng một cách nhân đạo thành tích thể thao, làm tổn hại đến tinh thần thể thao chân chính và đến sự lành mạnh về thể chất, tâm lý, đạo đức của vận động viên.

Doping máu là một trong 3 dạng thông dụng của doping (bên cạnh doping cơ và doping thần kinh). Doping máu là các kỹ thuật được sử dụng để tăng lượng tế bào hồng cầu vận chuyển oxy của con người, từ đó tăng cường khả năng của các vận động viên. Loại doping máu được sử dụng phổ biến nhất là tiêm erythropoietin (EPO) - mũi tiêm có chứa các chất hóa học tổng hợp mang oxy và hình thức truyền máu. Đặc biệt gần đây là một scandal thế kỷ về sử dụng doping máu của Lance Armstrong - tay đua đã vượt qua căn bệnh ung thư quái ác và vô địch 7 lần liên tiếp cuộc đua xe đạp danh giá Tour de France. Lance Armstrong đã nhiều lần sử dụng doping, chủ yếu nhất là EPO qua đường truyền máu.

Doping máu khiến người sử dụng gặp những rắc rối nghiêm trọng về sức khỏe.

Doping máu khiến người sử dụng gặp những rắc rối nghiêm trọng về sức khỏe.

Cách thức hoạt động của doping máu

Thực chất, doping máu là hình thức đưa thêm các tế bào hồng cầu vào trong dòng lưu thông máu của vận động viên. Mặc dù nghe rất đơn giản và có vẻ không giống gian lận trong thể thao nhưng doping máu là một hình thức gian lận tinh vi và khó bị phát hiện. Các tế bào hồng cầu chứa oxy, được đưa vào máu của cơ thể giúp cho việc đưa oxy đến cơ bắp được nhanh hơn, số lượng lớn hơn, do đó, cơ thể có thể hoạt động ở tần suất cao hơn, mạnh hơn, bền hơn. Với mục đích nâng cao thành tích thi đấu của vận động viên, doping máu được sử dụng nhiều trong các bộ môn thể thao như đua xe đạp, bơi hay chạy đường dài. Năm 1985, doping máu chính thức bị cấm ở Olympic.

BS. Michael Joyner tại Bệnh viện Mayo ở Minnesota, Mỹ cho biết, “doping máu giúp giảm mệt mỏi bằng cách tăng cung cấp oxy để các cơ vận động. Điều này không làm tăng lực tối đa mà cơ thể tạo ra nhưng nó sẽ cho phép các cơ bắp làm việc nhiều hơn trong thời gian dài mà không mệt mỏi”. Phương pháp phổ biến nhất của doping máu là sử dụng máu tươi, sau đó chiết những tế bào hồng cầu có chứa oxy ra. Những tế bào hồng cầu này sau đó được đem đi đông lạnh và bảo quản chờ đến khi sử dụng. Trước giờ thi đấu, những vận động viên gian lận sẽ bí mật đưa những tế bào hồng cầu vào tĩnh mạch để bổ sung oxy trong dòng máu cơ thể. Những vận động viên lấy máu tự thân sẽ khiến họ xanh xao, mệt mỏi trong thời gian ngắn nhưng nếu lấy hồng cầu từ bên ngoài thì vận động viên không có hiện tượng này.

Phương pháp thứ hai của doping máu là sử dụng hormon kích thích sản sinh hồng cầu có tên là erythropoietin (EPO). EPO được sản sinh từ thận trong cơ thể, được đưa đến và gắn kết với tủy để tăng lượng hồng cầu trong máu. Việc phát hiện vận động viên sử dụng doping trong trường hợp này rất khó khăn vì sự khác biệt giữa EPO nội sinh và EPO tái tổ hợp không lớn. Hơn nữa, EPO tồn tại trong cơ thể với thời gian rất ngắn, chỉ khoảng 48 giờ. Theo BS. Joyner: “Việc vận động viên tiêm doping máu vào thứ hai nhưng đến xét nghiệm lại vào ngày thứ tư thì khó có khả năng bị phát hiện. Trong khi đó, công dụng của EPO trong cơ thể lại tồn tại trong vòng 90 ngày kể từ ngày tiêm”. Trong trường hợp này, việc đếm số lượng hồng cầu trong cơ thể vận động viên có thể hữu ích vì lượng hồng cầu trong cơ thể thường nằm trong khoảng nhất định, nếu số hồng cầu vượt quá mức bình thường thì đó là dấu hiệu của doping máu.

Tác hại của doping máu

Việc đưa doping máu vào cơ thể nếu trót lọt qua các khâu kiểm tra gắt gao sẽ giúp vận động viên xác lập những kỷ lục mới, giành chiến thắng, đem lại huy chương nhưng doping máu cũng khiến người sử dụng gặp những rắc rối nghiêm trọng về sức khỏe Việc tăng cao lượng hồng cầu trong máu khiến máu trở nên đặc sệt, dẫn đến tình trạng máu bị đóng cục khó khăn trong việc tuần hoàn tăng nguy cơ đột quỵ vì máu đông. Ngoài ra, vận động viên cũng tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm cũng như việc đào thải khi truyền máu từ ngoài vào cơ thể.

Scandal sử dụng doping máu của Lance Armstrong gây ra hiệu ứng điện toán đám mây của sự nghi ngờ và gian lận. “Nếu có vận động viên nào có thành tích vượt trội, lập tức đám đông sẽ nghi ngờ phải chăng thành tích này nhờ có doping mang đến”. Vì vậy, nếu là người vận động viên thực sự, hãy thi đấu hết mình với tinh thần thể thao lành mạnh để hướng tới thành tích vượt trội bởi chính khả năng của mình.

Hoàng Thu Thảo

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Chủ đề được quan tâm

Bí quyết sống khỏe Bí quyết sống khỏe Thứ năm, 14:36:44 09/07/2020
Món ngon giữ lửa yêu Món ngon giữ lửa yêu Thứ năm, 14:35:26 09/07/2020
Bệnh trẻ em Bệnh trẻ em Thứ năm, 14:33:44 09/07/2020
Bệnh phụ nữ Bệnh phụ nữ Thứ năm, 14:31:59 09/07/2020
Bài thuốc hay Bài thuốc hay Thứ năm, 14:30:52 09/07/2020

Video nổi bật

Sản phẩm mới