Cảnh báo về căn bệnh sỏi tiết niệu do bệnh gút gây ra

Thứ bảy, 17:43:09 01/12/2018
Goutte (gút) là bệnh rối loạn chuyển hoá thường gặp ở đàn ông lứa tuổi trung niên. Một trong những biến chứng nguy hiểm và hay gặp của bệnh gút là gây ra sỏi tiết niệu do nồng độ acid uric tăng cao và toan hoá nước tiểu. Đây thực sự là một loại sỏi “cứng đầu”, không dễ trị.

Sỏi do tăng acid uric trong bệnh gút thường có màu vàng cam trơn nhẵn, rất cứng và rất hay tái phát. Khác với các loại sỏi tiết niệu khác có thể phát hiện dễ dàng qua phim chụp Xquang thông thường với hình cản quang, sỏi do acid uric không cản quang, nghĩa là không thể nhìn thấy được qua phim chụp Xquang thông thường.

Chính vì đặc điểm không cản quang và rất cứng nên sỏi tiết niệu trong bệnh gút hầu như không thể điều trị bằng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể được. Trong trường hợp cấp cứu do cơn đau quặn thận phương pháp nội soi niệu quản là lựa chọn duy nhất. Điều trị triệt căn sỏi tiết niệu trong bệnh gút cơ bản là điều trị nội khoa bao gồm điều trị bệnh gútdùng thuốc gây tan sỏi. Nguyên tắc điều trị gồm 2 điểm chính: Tăng bài tiết nước tiểu và kiềm hoá nước tiểu.

Điều trị nội khoa triệt căn sỏi acid uric

Tăng bài tiết nước tiểu

Phải đạt được ít nhất là 2,5l/ngày. Số lượng nước uống từ 2-3l/ngày tuỳ theo thời tiết, mức độ hoạt động, trọng lượng cơ thể.

Kiềm hoá nước tiểu

Mục đích là giữ độ pH nước tiểu thường xuyên từ 6,5 - 7,5.

Các dạng thuốc gây kiềm hoá nước tiểu thường dùng:

Nước uống giàu bicarbonate de sodium có sẵn trên thị trường: chỉ nên dùng trong thời gian ngắn khoảng 1 tháng. Cần chú ý vì ở bệnh nhân có rối loạn chuyển hoá, việc đưa vào cơ thể quá nhiều muối natri có thể gây tích nước. Mặt khác, tăng natri trong nước tiểu sẽ làm tăng canxi dễ tạo sỏi.

Sự thay đổi của độ pH nước tiểu theo thời gian trong ngày:

Theo nghiên cứu Cameron, đối với người ăn 3 bữa sáng - trưa - tối trong ngày dù không có dùng thuốc kiềm hoá, pH nước tiểu sẽ tăng lên rõ rệt sau bữa ăn và sau đó hạ thấp khi đói vào thời điểm giữa 2 bữa ăn. Nếu uống chất kiềm hoá trong khi ăn, pH nước tiểu không hạ thấp ngay cả khi đói trong buổi sáng và chiều. Tuy nhiên, vào nửa đêm về sáng, pH nước tiểu lại hạ thấp.

Do vậy, để duy trì độ pH nước tiểu ổn định trong cả ngày và đêm, ngoài việc phải uống thuốc trong 3 bữa ăn, nên uống thêm vào lúc thức dậy trong đêm.

Nếu không bị tăng huyết áp và chức năng thận bình thường, nên uống 750 - 1.000ml nước giàu bicarbonate de sodium/ngày. Theo dõi pH nước tiểu ít nhất 3 lần/ngày để điều chỉnh tăng hoặc giảm lượng nước uống này nếu cần thiết và luôn uống thêm 350ml trước khi ngủ.

Nếu có tăng huyết áp nên dùng citrate de potassium hoặc bicarbonate de potassium. Cần hỏi thêm ý kiến của bác sĩ chuyên khoa thận.

Vai trò của pH trong việc làm tan sỏi acid uric:

pH nước tiểu trong bệnh gút thường rất thấp (từ 5-6). Việc nâng độ pH nước tiểu lên cao cho phép làm tan sỏi: Bắt đầu ở pH 6,5: 85% sỏi acid uric sẽ tan. Tỷ lệ này lần lượt tăng lên 90% với pH 6,8 và 95% nếu pH 7,2. Khi pH nước tiểu là 8 thì 100% sỏi acid uric sẽ tan biến.

Vai trò của sự bài tiết nước tiểu đối với độ pH và nồng độ acid uric:

Nếu bài tiết nước tiểu 1.000ml/ngày, với nồng độ acid uric 300mg/l và pH nước tiểu 5,3 thì cũng trên bệnh nhân đó khi bài tiết nước tiểu tăng lên 2-3l/ngày thì độ pH nước tiểu có thể lên tới 6,8 và nồng độ acid uric giảm xuống 100mg/l. Như vậy, việc tăng lượng bài tiết nước tiểu bằng việc uống nhiều nước (>2l/ngày) rất quan trọng trong việc làm tan sỏi.

Lưu ý

Theo dõi pH nước tiểu: Trong thời gian đầu, cần đo pH nước tiểu ít nhất 3 lần trong ngày vào 10 giờ, 15 giờ và trước khi ngủ. Kiểm tra lên tục trong 1 vài tuần để tìm ra quy luật về số lượng nước cần uống để luôn giữ được pH nước tiểu ổn định từ 6,5 - 7,5. Sau đó, chỉ cần đo pH nước tiểu 1 lần/ngày vào buổi sáng, thậm chí 1 lần/tuần. Nên ghi lại các số liệu về số lượng nước tiểu và độ pH nước tiểu của các lần kiểm tra để tiện theo dõi diễn biến điều trị. Lưu ý không để pH nước tiểu>8 để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu và phosphatisation sỏi.

Theo dõi Xquang: Do sỏi acid uric không cản quang nên việc theo dõi hiệu quả tan sỏi phải dựa trên CT hoặc siêu âm. Thông thường, nếu giữ ổn định pH nước tiểu 6,5 - 7,5, sỏi sẽ tan trong khoảng 1 tháng.

 

Lời khuyên của thầy thuốc

Để đề phòng sỏi tái phát ở những bệnh nhân gút chủ yếu là thực hiện nghiêm ngặt chế độ ăn uống như hạn chế ăn thịt (1g/kg/ngày); hạn chế nucleoproteine và purine (thịt thú rừng thịt đỏ nội tạng động vật…); uống thêm allopurinol nếu uric/nước tiểu cao; giảm sử dụng các loại đồ ăn thức uống có đường tiêu nhanh (soda, mứt, bánh ngọt…)

Tạ Thị Dung

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Chủ đề được quan tâm

Bí quyết sống khỏe Bí quyết sống khỏe Thứ năm, 14:36:39 09/07/2020
Món ngon giữ lửa yêu Món ngon giữ lửa yêu Thứ năm, 14:35:24 09/07/2020
Bệnh trẻ em Bệnh trẻ em Thứ năm, 14:33:44 09/07/2020
Bệnh phụ nữ Bệnh phụ nữ Thứ năm, 14:32:01 09/07/2020
Bài thuốc hay Bài thuốc hay Thứ năm, 14:30:46 09/07/2020

Video nổi bật

Sản phẩm mới