Ai dễ bị phù bạch huyết? Cách điều trị bệnh thế nào?

Thứ bảy, 11:30:02 16/02/2019
Sưng phù bạch huyết thường xảy ra ở một cánh tay hoặc cẳng chân, nhưng cũng có thể phù cả tứ chi, do sự tắc nghẽn trong hệ thống bạch huyết gây ra. Bệnh do bẩm sinh hoặc mắc phải.

Phù bạch huyết chân trái

Phù bạch huyết chân trái

Ai dễ bị phù bạch huyết?

Phù bạch huyết gặp ở hai nhóm bệnh nhân do bẩm sinh (tiên phát) hoặc mắc phải (thứ phát).

Phù bạch huyết tiên phát là một bệnh di truyền chiếm khoảng 0,6% trên số trẻ sinh ra sống. Nguyên nhân do các mạch bạch huyết bị thiếu hoặc không hoạt động, tổn thương có thể ảnh hưởng tới tứ chi, các phần khác của cơ thể, kể cả các cơ quan nội tạng Bệnh có thể xuất hiện ngay khi mới sinh, ở độ tuổi dậy thì hay khi đã trưởng thành.

Phù bạch huyết thứ phát là phù bạch huyết gây ra bởi một bệnh khác. Thể bệnh này phổ biến cả ở trẻ nhỏ và người lớn. Bệnh có thể gây ra bởi một chấn thương, khi bị viêm nhiễm hay sau cuộc phẫu thuật làm ảnh hưởng đến dòng chảy của bạch huyết hoặc do phẫu thuật phải loại bỏ một hay nhiều hạch bạch huyết Một nghiên cứu cho biết: trong hơn 3 triệu bệnh nhân bị ung thư vú còn sống, có khoảng 30% bị phù bạch huyết thứ phát. Phù bạch huyết cũng thường xảy ra sau các phẫu thuật liên quan đến tuyến tiền liệt đường tiết niệu cổ tử cung ổ bụng, phẫu thuật chỉnh hình (hút mỡ) và các phẫu thuật điều trị khối u ác tính, các trị liệu bệnh u bạch huyết Hodgkin và không Hodgkin. 

Các đối tượng chiếu xạ, chấn thương trong thể thao, xăm trổ trên da hoặc bất kỳ tác động nào đến dòng chảy bạch huyết đều có thể gây ra phù bạch huyết thứ phát. Điều cần chú ý là phù bạch huyết có thể không xuất hiện ngay thời điểm sự kiện xảy ra, nhưng sau các sự kiện này đều có nguy cơ gây phù bạch huyết trong suốt cuộc đời.

Phù bạch huyết có gì khác phù của bệnh khác?

Khác với các bệnh phù khác, phù bạch huyết có đặc điểm là: sưng phù một phần của cánh tay hoặc chân hoặc toàn bộ cánh tay hoặc chân, bao gồm cả ngón tay, ngón chân. Bệnh nhân thấy một cảm giác nặng nề hoặc đau tức ở phần chi bị bệnh. Do phù gây hạn chế cử động ở tay, chân bị tổn thương. Kèm theo có dấu hiệu đau hoặc khó chịu ở chi bị bệnh. Nhiễm khuẩn thường tái phát nhiều lần ở chi bị ảnh hưởng. Phần da nơi bị phù bạch huyết cứng và dày. Ở những ca bệnh nặng, sưng rất to cánh tay, chân làm cho chi bệnh không thể cử động được.

Phù bạch huyết có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng là nhiễm khuẩn. Nhiễm khuẩn thường tái đi tái lại định kỳ từng đợt. Nguy cơ nhiễm khuẩn cao khi bệnh nhân có các vết thương trên vùng bị phù bạch huyết.

Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh: chụp cộng hưởng từ sử dụng các từ trường và sóng radio chụp cắt lớp vi tính, siêu âm Doppler, kỹ thuật hạt nhân phóng xạ hình ảnh của hệ bạch huyết (lymphoscintigraphy) sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán xác định bệnh phù bạch huyết.

Điều trị thế nào?

Cho đến nay vẫn chưa có phương pháp đặc hiệu để chữa phù bạch huyết. Điều trị chủ yếu là giảm sưng và kiểm soát các cơn đau Bệnh nhân cần thực hiện các bài tập để vận động cánh tay hoặc chân bị phù nhằm cải thiện sự lưu thông dịch bạch huyết trong vùng chi bệnh. Những bài tập này chỉ nên vừa sức đối với từng bệnh nhân, tránh sự gắng sức hoặc gây mệt mỏi Dùng phương pháp quấn băng quanh vùng chi bệnh để cho dịch bạch huyết chảy ngược lại phần chi lành để giảm sưng căng cho vùng chi bệnh. Kỹ thuật massage cũng hay được sử dụng để làm tăng tốc độ lưu thông dịch bạch huyết giúp giảm sưng đau ở chi bệnh.

Tuy nhiên, cần tránh xoa bóp nếu có một nhiễm khuẩn ở da. Phương pháp dùng khí nén: bệnh nhân được mặc một áo chuyên dụng trên cánh tay hoặc chân bị bệnh nối với một máy bơm tạo áp lực ép chi bệnh nhằm đẩy dịch bạch huyết di chuyển khỏi vùng bệnh giúp giảm sưng đau Tuy nhiên, biện pháp này không dùng cho người tăng huyết áp tiểu đường tê liệt, suy tim đông máu hoặc nhiễm khuẩn cấp tính. Các trường hợp phù bạch huyết trầm trọng có thể phải phẫu thuật cắt bỏ mô dư thừa trong cánh tay hoặc chân để giảm sưng nặng.

Cải thiện phù bạch huyết cách gì?

Bệnh nhân cần thực hiện các chỉ định tập luyện và điều trị kiên trì. Cần vệ sinh sạch da hàng ngày, dùng kem dưỡng da để ngăn ngừa da khô và các vết nứt nẻ. Thực hiện một chế độ ăn uống đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng là: đạm, đường, béo vitamin và khoáng chất để nâng cao thể trạng. Đồng thời, bệnh nhân cần tập thể dục nhẹ nhàng vừa sức hàng ngày để cải thiện tuần hoàn, lưu thông khí huyết giúp giảm sưng phù và đau. Việc giảm căng thẳng về tinh thần cũng là yếu tố quan trọng để đẩy lùi bệnh tật. Đồng thời, bệnh nhân cần ngủ đủ giấc (7-8 giờ mỗi ngày) để có tinh thần sảng khoái và thể lực tốt tăng khả năng chống đỡ với bệnh.

Để giảm nguy cơ phù bạch huyết tăng nặng, bệnh nhân cần chú ý bảo vệ chi bị bệnh tránh các chấn thương hay các va chạm gây trầy xước da. Thận trọng khi sử dụng dao cạo râu, nên đeo găng tay khi lao động như làm vườn, nấu ăn... Hạn chế hoặc tránh các thủ thuật y tế như hút máu, tiêm hay châm cứu ở vùng chi bệnh. Tránh tác động của nhiệt đối với phần chi bệnh như không dùng đệm nóng, sưởi nóng. Khi ngủ nên nâng cao cánh tay hoặc chân bị bệnh. Không mặc quần áo chật, không đo huyết áp ở vùng tay chân bị bệnh...

Hoàng Thu Thảo

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Chủ đề được quan tâm

Bí quyết sống khỏe Bí quyết sống khỏe Thứ năm, 14:36:41 09/07/2020
Món ngon giữ lửa yêu Món ngon giữ lửa yêu Thứ năm, 14:35:22 09/07/2020
Bệnh trẻ em Bệnh trẻ em Thứ năm, 14:33:40 09/07/2020
Bệnh phụ nữ Bệnh phụ nữ Thứ năm, 14:31:59 09/07/2020
Bài thuốc hay Bài thuốc hay Thứ năm, 14:30:49 09/07/2020

Video nổi bật

Sản phẩm mới