Tục thờ lửa và cúng Táo quân mà không phải ai cũng biết

Thứ Hai, 09:50:07 28/01/2019
Ông A.Lunggren, nguyên Đại sứ Thụy Điển ở Việt Nam có lần nói với tôi ở lễ hội Santa Lucia "Bản sắc một dân tộc thể hiện rõ nét nhất qua các lễ hội dân gian. Ở Việt Nam, tôi hiểu thêm văn hóa các bạn qua dịp lễ Tết hàng năm!".

Nhận xét của ông rất chính xác, nhất là khi ông viện dẫn đến tục cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp mở đầu Tết Nguyên đán. Có người thắc mắc, cho rằng tục cúng ông Táo là của Tầu, không phải truyền thống ta, vì từ đời Hạ (thế kỷ 21-17 trước CN), "vua Táo" đã được dân Trung Quốc thờ là đại  thần, còn có tên là Viêm Đế, Chúa Dung, Trương Đôn (Vương Kiến Thụy - Địch Học Kim - Tinh hoa tri thức văn hóa Trung Quốc, bản dịch).

Có thể tục cúng ông Táo nguồn gốc Trung Quốc nhưng vẫn là một nét bản sắc văn hóa Việt Nam. Vì sao vậy? Vì theo môn nhân học văn hóa, không có nền văn học nào thuần nhất cả. Các nền văn hóa dân tộc đều qua giao lưu, vay mượn của nhau. Khi một dân tộc tiếp thu một nét văn hóa ngoại lai và biến cải nó đi (tiếp biến: acculturation) đưa nó vào sinh hoạt thường xuyên trong thời gian dài, thì nó trở thành truyền thống, thành yếu tố bổ sung vào bản sắc dân tộc ấy.

Vì vậy, tục cúng ông Táo cùng nhiều tục lệ ngày Tết khác, có thể có tục gốc Trung Quốc, nhưng khi đã Việt hóa, đã được cộng đồng Việt tiếp biến thì trở thành nét văn hoá Việt.

Truyện ông Táo ở ta và ở Trung Quốc có nhiều dị bản, nhưng đều có một nguyên mẫu chung là tấn bi kịch về tình vợ chồng và cái chết vì lửa thiêu. Một đôi vợ chồng buộc phải bỏ nhau vì hoàn cảnh éo le (nghèo khổ, bệnh tật). Vợ hoặc chồng ra đi, rất lâu sau vợ lấy chồng khác... Một hôm  ngẫu nhiên vợ và chồng cũ gặp lại nhau... các diễn biến dồn dập dẫn đến cái chết (tự tử), hoặc tai nạn của cả ba người, chết do lửa. Thượng đế thương tình nối duyên cho cả ba, thành ba vị thần Bếp, gọi chung là Táo quân.

Ở ta, phổ biến nhất là chuyện hai vợ chồng Trọng Cao và Thị Nhi.

Hai người lấy nhau không có con buồn phiền, Cao đánh vợ, vợ bỏ đi, sau lấy Phạm Lang. Cao hối hận, lang thang đi ăn xin tìm vợ. Một hôm ăn xin đúng nhà vợ. Mừng tủi, hàn huyên, Nhi cho Cao ăn uống rồi bảo tạm lánh trong đống rơm ngoài vườn. Lang chợt về, đốt rơm để lấy tro bón ruộng. Cao ngủ say bị thiêu chết, Nhi đau đớn nhảy vào lửa, Lang xót vợ cũng chết theo. (Toan Ánh - Tín ngưỡng Việt Nam).

Một dị bản do Hà Văn Vượng kể (tạp chí Dân Việt Nam). Chồng bị hủi, vợ nuôi. Chồng thương vợ, khuyên vợ bỏ, người vợ không chịu. Anh bịa ra lý do vợ phải lòng một người ăn xin, đánh đuổi vợ đi. Vợ nhảy xuống sông tự tử được người ăn xin ấy cứu sống. Nàng cảm kích lấy anh ta. Về sau chồng cũ tha phương đi ăn xin đến đúng cửa nhà vợ cũ. Anh nhận ra vợ khi nàng đem cơm cho, anh xấu hổ bỏ chạy  rồi đâm đầu vào một đống lửa bên đường. Vợ chạy theo, rồi cả chồng mới cũng chạy theo, thương xót nhau, đều nhảy vào lửa mà chết.

Một mẫu tranh thờ Táo quân.

Một mẫu tranh thờ Táo quân.

Truyện ông Táo Trung Quốc cũng là vợ hiền, chồng thua cờ bạc, phải bán vợ mà đi ăn xin. Về sau, đến ăn xin đúng nhà vợ cũ. Vợ thương tình cho vào bếp ăn cơm. Chồng mới chợt về, chồng cũ vội trốn vào lò nấu. Chồng mới không biết, bảo người nhà đốt lò đun nước tắm. Chồng cũ bị chết thiêu. Vợ thương chồng cũ, hàng ngày đốt hương cúng. Chồng cũ được Thượng đế phong là vua Bếp (kể theo Pimparreau -Trung Quốc: Các huyền thoại về thần thánh). Có một dị bản khác kể: Táo quân nguyên là một vị thần trai lơ, quyến rũ các nữ tỳ của Tây Vương Mẫu. Bị đày xuống trần, ông xin làm thần Bếp để được luôn gần phụ nữ Truyện này hoàn toàn khác các truyện trên. 

Như vậy, chủ đề chính (leit motiv) của đa số các truyện về Táo quân là tự tử bằng lửa. Thờ Táo quân thuộc dạng thờ thần lửa, một tín ngưỡng lâu đời nhất khi nhân loại từ ăn sống chuyển sang ăn chín, bắt đầu từ dã man sang văn minh. Theo triết học cổ đại Trung Quốc, nguyên khí của vũ trụ (thái cực) chia thành âm dương, thành ngũ hành là năm khí vận hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Các tín ngưỡng thờ lửa có ba hình thức: lửa đốt lên, sấm sét, mặt trời. Lửa có nhiều biểu tượng thiêng liêng: làm cho trong sạch, giải thoát khỏi tội lỗi, soi sáng, tẩy uế, hủy diệt và tái sinh, lại có ý nghĩa giới tính: lửa thu được đầu tiên bằng cách cọ xát, biểu tượng của giao cấu.

Cúng ông Táo là biểu hiện của tục thờ thần Lửa. Theo nghĩa đen, lửa có ý nghĩa tẩy uế (làm cho sạch nhà cửa, bếp núc trước Tết) và nghĩa bóng: giải thoát những nỗi oan trái (ba nhân vật vô tình mà gây oan khổ cho nhau),  đề cao đức chung thuỷ của các nhân vật vừa gây ra tai họa, vừa là nạn nhân.

Lửa cũng tượng trưng cho sự huỷ diệt (hết năm cũ, ông Táo lên trời, mọi nhà bị 7 ngày tăm tối) và tái sinh (ông Táo khác về khai mở cho năm mới). Hẳn tục cúng ông Táo có trước khi Khổng học ngự trị, vì đã thờ phụ nữ tái giá, không tiết hạnh và có hai chồng, di tích một xã hội đa phu trước Khổng Tử...

Hoàng Thu Thảo

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Chủ đề được quan tâm

Bí quyết sống khỏe Bí quyết sống khỏe Thứ năm, 14:36:44 09/07/2020
Món ngon giữ lửa yêu Món ngon giữ lửa yêu Thứ năm, 14:35:26 09/07/2020
Bệnh trẻ em Bệnh trẻ em Thứ năm, 14:33:40 09/07/2020
Bệnh phụ nữ Bệnh phụ nữ Thứ năm, 14:31:57 09/07/2020
Bài thuốc hay Bài thuốc hay Thứ năm, 14:30:54 09/07/2020

Video nổi bật

Sản phẩm mới