Làm gì để thụ thai được những đứa con lý tưởng?

Thứ sáu, 14:05:11 07/12/2018
Câu hỏi này các bậc cha mẹ thường rất quan tâm, nhưng không phải ai cũng tìm được một lời giải đáp đầy đủ và chính xác. Thông thường, người ta chỉ chú ý chăm sóc kể từ khi phôi thai đã thành hình mà bỏ quên một giai đoạn có ý nghĩa không kém phần quan trọng, đó là thời kỳ chuẩn bị trước lúc có thai.

Thế nào là ưu sinh học

Theo đà phát triển thần tốc của khoa học và kỹ thuật, hơn một thế kỷ nay, một bộ môn khoa học mà trong nội dung nghiên cứu của nó có đề cập đến vấn đề này đã được hình thành và không ngừng phát triển, đó là Ưu sinh học. “Ưu” có nghĩa tốt đẹp, ưu việt; “sinh” có nghĩa là sinh ra, ra đời. Ưu sinh có nghĩa là “sinh sản ưu hóa”; đối với gia đình ưu sinh có nghĩa là sinh được một đứa con khỏe đẹp, thông minh; đối với một quốc gia và dân tộc, ưu sinh có nghĩa là sinh dưỡng cho thế hệ mai sau những người con ưu tú, tạo ra và củng cố giống nòi thật tốt, nâng cao tố chất của dân tộc. Ưu sinh học do Francis Galton, nhà sinh vật học người Anh sáng lập ra, là một bộ môn khoa học chuyên nghiên cứu làm thế nào để cải tiến tính di truyền của loài người, với hai mục đích: một là, nhằm cải thiện sức khỏe cho đời sau, giảm thiểu bệnh di truyền và trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh; hai là, tìm mọi biện pháp để nâng cao trí lực cho mỗi cá thể ra đời, từ đó nâng cao tố chất về thể lực và trí lực cho thế hệ mai sau.

Trong Y học cổ truyền phương Đông, lý thuyết về ưu sinh đã được nhận thức và thực hành khá sớm. Hơn 2.000 năm trước, sách Liệt tử đã viết: “Hữu sinh giả, hữu sinh sinh giả, hữu hình giả, hữu hình hình giả”, nghĩa là những đặc trưng về hình thể tính cách hành vi... thậm chí cả giọng nói của cha mẹ cũng sẽ di truyền sang đời con cháu. Sách Phùng Cần truyện cũng đã chép lại việc ông nội của Phùng Cần vốn là người “thấp bé nhẹ cân”, sợ con cháu sau này sẽ giống mình, bèn cưới cho cậu con trai một cô vợ vừa cao vừa to, cho nên Phùng Cần sau này sinh ra cũng rất cao to. Trần Tử Minh, danh y đời Tống (Trung Quốc) đã khuyên: “Nam giới tuy 16 tuổi đã có tinh nhưng phải đến tuổi 30 mới lấy vợ, nữ giới tuy 14 tuổi đã có kinh nguyệt nhưng phải đến 20 tuổi hãy lấy chồng như thế âm dương đều sung túc”.

Vậy thì, theo Y học cổ truyền, trong giai đoạn chuẩn bị có thai cần phải làm gì để đạt được mục tiêu ưu sinh?

Chuẩn bị trước khi mang thai là rất quan trọng

Chuẩn bị trước khi mang thai là rất quan trọng

Phải chọn được bạn đời tốt nhất

Y học cổ truyền cho rằng, tinh của người cha thuộc dương trứng của người mẹ gọi là mẫu huyết thuộc âm, âm dương giao hòa thì sẽ thụ thai Tinh cha và huyết mẹ có lành lặn, đầy đủ và thịnh vượng thì khí chất của thai nhi mới hoàn bị, yếu tố bẩm sinh mới tốt đẹp. Bởi vậy, khi chọn bạn đời, ngoài các tiêu chuẩn về tư cách đạo đức, chí hướng nghề nghiệp... còn phải xét tới các yếu tố sức khỏe và di truyền gia tộc.

Thiên Bản bệnh trong sách Đại tải lễ viết: “Trên đời, người có ác bệnh, đừng lấy”, nghĩa là khi kén vợ chọn chồng, cổ nhân khuyên nên chú ý xem xét đối tượng có ác bệnh di truyền hay không.

Các bệnh, ngày nay có thể hiểu là:

- Các bệnh nghiêm trọng như: bệnh tim bệnh gan bệnh thận; một số bệnh truyền nhiễm như: lậu giang mai lao tiến triển, HIV/AIDS... Những người mắc các bệnh này tạm thời không nên kết hôn, vì có thể làm bệnh nặng thêm hoặc lây nhiễm cho bạn đời.

- các bệnh và dị tật ở đường sinh dục như: bao quy đầu quá dài dương vật bị dị dạng do bẩm sinh hoặc chấn thương (ở nam giới) màng trinh bít kín, âm đạo bị dị tật (ở nữ giới). Những trường hợp này cần phải tiến hành điều trị trước khi kết hôn.

- Các bệnh di truyền hoặc khiếm khuyết về di truyền, đòi hỏi phải được các thầy thuốc chuyên khoa tư vấn. Thiên Nội tắc trong sách Lễ ký khuyên: “Lấy vợ, không được lấy người cùng họ. Nam nữ cùng một dòng họ lấy nhau thì sẽ hiếm con”. Đây chính là điều mà ngày nay gọi là cấm kết hôn với người cùng huyết thống. Trên cơ sở các công trình nghiên cứu về di truyền và điều tra khảo sát thực tế, người ta nhận thấy những người có mối quan hệ huyết thống kết hôn với nhau thì con cái họ sinh ra có khả năng bị dị tật bẩm sinh và mắc các bệnh di truyền cao gấp 150 lần so với những đứa trẻ bình thường khác. Kết quả điều tra của Tổ chức Y tế thế giới cũng cho thấy, tỷ lệ tử vong ở con cái những người kết hôn cận thân là 81‰, trong khi kết hôn không cận thân chỉ là 24‰.

Phải chọn tuổi kết hôn và có thai tốt nhất

Sách xưa Trung Quốc kể lại rằng: Hiếu vương Kiến Bình có rất nhiều phi tần song không có con trai, Hiếu vương bèn chọn nhiều con gái chốn dân dã tuổi vị thành niên vào cung, nhưng vẫn không làm sao thực hiện được ước nguyện. Vua bèn hỏi Chử Trừng vì sao? Chử Trừng đáp: “ Nam nữ lấy nhau phải chọn lứa tuổi thích hợp. Tuy nam 16 tuổi đã có tinh khí, nữ 14 tuổi đã có kinh nguyệt, song sự phát dục chưa chín muồi, phải là nam 30 tuổi, nữ 20 tuổi, lúc đó dương tinh của nam và âm huyết của nữ mới đầy đủ, kết hôn mới có thể thụ thai, đứa con sinh ra mới khỏe mạnh và dễ nuôi. Nay bệ hạ chọn con gái vị thành niên, thận khí của họ chưa vững chắc, dễ bị xung động tổn thương, thì làm sao sinh con trai nổi? Mà dù có thai sinh con thì đứa con cũng sẽ ốm yếu, khó nuôi, thậm chí chết yểu” (Chử thị di thư). Câu chuyện cho thấy, vấn đề tảo hôn và ảnh hưởng bất lợi của nó đã được người xưa biết đến từ rất sớm.

Ngày nay, người ta nhận thấy rằng đàn ông ở độ tuổi 25-35 có con là thích hợp và ưu việt nhất (có người cho là từ 26-28 tuổi), nếu có muộn cũng không nên quá 40 tuổi, vì tố chất tinh trùng của nam giới ở tuổi 30 đạt đến đỉnh cao và duy trì chất lượng tốt trong khoảng 5 năm, tuổi càng cao thì số lượng tinh trùng không bình thường càng nhiều, nguy cơ bị sảy thai sinh nonthai nhi bị dị tật bẩm sinh càng lớn. Đối với nữ giới, tuổi sinh nở tốt nhất là từ 20-30 (có người cho là từ 23-30 tuổi), muộn nhất không nên quá 30 tuổi, vì ở thời kỳ này cơ thể người phụ nữ phát triển hoàn toàn thuần thục trứng có chất lượng cao, dễ thụ thai, sinh sản ít nguy hiểm thai nhi phát triển tốt, tỷ lệ sinh non thai nhi dị dạng và trẻ sơ sinh đần độn rất thấp.

Phải chọn thời điểm thụ thai tốt nhất

Bồi dưỡng con cái khỏe mạnh, thông minh không phải từ lúc bắt đầu đi học, cũng không phải từ lúc bắt đầu sinh ra mà là từ thời điểm thụ thai. Y học cổ truyền cho rằng, thời gian giao hợp có quan hệ rất lớn tới sự hoài thai. Sách Diệu nhất trai y học chính ấn chủng tử thiên viết: “Giao hợp có thời. Vạn vật hóa sinh ắt có thời gian lạc dục”. Hai chữ “lạc dục” ở đây là chỉ sự rụng trứng. Người xưa cũng nói: “Đêm khuya êm dịu tình cảm vợ chồng thuận hòa, đằm thắm, gặp nhau thụ thai thì con cái không những trường thọ mà còn trí tuệ hơn người” bởi lẽ, đó là lúc “nam nữ tình đồng, giao cảm với nhau, khí cơ thông thương, tinh huyết dồi dào, âm dương tương bác thì tinh huyết hòa trộn mà thành thai”, cổ thư gọi đó là giây phút “thần giao”.

Ngày nay, người ta thấy rất rõ rằng, muốn thụ thai ưu sinh phải chọn thời điểm thụ tinh thích hợp, nghĩa là khi tinh trùng và trứng khỏe mạnh nhất. Thông thường, trứng sau khi rời khỏi buồng trứng sẽ sống 1-2 ngày, tinh trùng sau khi lọt vào tử cung cũng chỉ sống 2-3 ngày. Bởi vậy, việc tính được thời điểm rụng trứng là hết sức quan trọng. Thêm nữa, đó còn phải là thời điểm mà tâm trạng đôi bên đều hứng khởi và đồng hồ sinh học đang chỉ vào thời kỳ cao trào trong tháng.

Phải chú ý tiết dục và bổ dưỡng tinh huyết

Y học cổ truyền cho rằng, không nên giao hợp quá độ trước khi muốn có thai, vì như vậy sẽ làm cho thận khí hư suy, tinh huyết không đủ khiến thai nhi dẫu có thành hình nhưng “tiên thiên bất túc”, dẫn đến những hậu quả không tốt sau này. Giống như một đấu gạo đem nấu rượu, nếu cho một lượng nước thích hợp thì rượu đậm đà hương vị, nếu lượng nước quá nhiều thì rượu sẽ nhạt nhẽo, tinh trùng quá loãng thì hậu quả thai nhi suy yếu cũng tương tự như vậy. Hơn nữa, để nâng cao chất lượng tinh huyết trước khi thụ thai, cổ nhân còn chú ý tăng cường bồi bổ thông qua ăn uốngdùng thuốc trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc “chỉnh thể” (đầy đủ, trọn vẹn), “bình hành” (cân bằng) và “nhân nhân chế nghi” (tùy theo đặc tính cá nhân).

Phải hết sức tránh những điều kiêng kị

Ví như, không nên thụ thai khi cơ thể quá mệt mỏi nên tránh có thai vào thời kỳ cuối đông đầu xuân, đặc biệt là không được nhập phòng sau khi uống rượu vì rượu tính đại nhiệt dễ tạo ra yếu tố bệnh lý gọi là thấp nhiệt, gây tác dụng xấu tới tinh cha huyết mẹ và làm rối loạn công năng các phủ tạng, khiến cho việc thụ thai không những khó khăn mà thai nhi sau này cũng suy kém cả về thể chất và trí lực. Hai thi sĩ danh tiếng Đào Tiềm đời Đông Tấn và Lý Bạch đời Đường (Trung Quốc) thường uống hàng vò rượu rồi làm ra những bài thơ được người đời ca tụng, nhưng con cháu của họ lại đều là những kẻ bất tài vô dụng. Cuối đời, khi họ hối hận nhận ra nguyên nhân chính là do căn bệnh nghiện rượu của mình thì đã muộn mất rồi!

Hoàng Thu Thảo

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Chủ đề được quan tâm

Bí quyết sống khỏe Bí quyết sống khỏe Thứ năm, 14:36:43 09/07/2020
Món ngon giữ lửa yêu Món ngon giữ lửa yêu Thứ năm, 14:35:27 09/07/2020
Bệnh trẻ em Bệnh trẻ em Thứ năm, 14:33:46 09/07/2020
Bệnh phụ nữ Bệnh phụ nữ Thứ năm, 14:31:54 09/07/2020
Bài thuốc hay Bài thuốc hay Thứ năm, 14:30:49 09/07/2020

Video nổi bật

Sản phẩm mới