Mách bạn dấu hiệu sớm của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Chủ nhật, 10:53:06 25/11/2018
Nhiều người có những yếu tố nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) mà không biết để được can thiệp sớm, dẫn đến nhập viện trong tình trạng rất nặng. Việc phát hiện COPD sớm có ý nghĩa quyết định đến việc điều trị và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bệnh nhân COPD nếu chẩn đoán muộn tiên lượng sẽ nặng nề, chất lượng cuộc sống giảm sút do các triệu chứng và các biểu hiện của đợt cấp phải đòi hỏi điều trị nhiều thuốc, bệnh tiến triển nhanh dễ dẫn đến suy hô hấp và tử vong. Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân không điều trị sẽ có nguy cơ làm nặng thêm và kiểm soát kém các bệnh cùng mắc.

Trên thực tế có nhiều bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ COPD, tuy nhiên lại thường không biết và đến khám bệnh muộn đã để lại di chứng nặng nề. Vì vậy, để biết mình có nằm trong những người có yếu tố nguy cơ mắc COPD hay không, người bệnh cần quan tâm các dấu hiệu sớm như ho, khó thở, khạc đờm kéo dài. Nguy cơ mắc bệnh COPD càng lớn hơn nếu các triệu chứng này xuất hiện trên những đối tượng như:

Hút thuốc lá thuốc lào trên 10 năm: Trực tiếp đun bếp (than, củi, rơm, rạ) trên 30 năm; Tiếp xúc khói, bụi, hóa chất nghề nghiệp... Đáng lưu ý, bệnh hay gặp ở nam giới trên 40 tuổi với những người có tiền sử hút thuốc lá thuốc lào (bao gồm cả hút thuốc chủ động và thụ động). Ô nhiễm môi trường trong nhà, ngoài nhà, nghề nghiệp: khói bếp than, bếp củi, bếp rơm rạ, hơi khí độc hóa chất bụi công nghiệp. Nhiễm khuẩn hô hấp tái diễn. Tăng tính phản ứng đường thở.

Ho, khạc đờm kéo dài: là triệu chứng thường gặp và không do các bệnh phổi khác như lao phổi giãn phế quản ho dai dẳng hoặc gián đoạn từng đợt (ho kéo dài ít nhất 3 tháng trong 1 năm và trong 2 năm liên tiếp trở lên) ho khan hoặc ho có đờm thường ho khạc đờm về buổi sáng. Ho đờm mủ là một trong các dấu hiệu của đợt cấp do bội nhiễm

Khó thở: tiến triển nặng dần theo thời gian, lúc đầu là khó thở khi gắng sức, sau khó thở cả khi nghỉ ngơi và khó thở liên tục. Bệnh nhân “phải gắng sức để thở”, “thở nặng”, “cảm giác thiếu không khí”, hoặc “thở hổn hển” thở khò khè Khó thở tăng lên khi gắng sức, nhiễm trùng đường hô hấp

Các triệu chứng ho khạc đờm, khó thở dai dẳng và tiến triển nặng dần theo thời gian, thường là ho khạc đờm xuất hiện trước sau đó mới xuất hiện thêm khó thở, khi khó thở mà bệnh nhân cảm nhận được lúc đó bệnh đã ở giai đoạn nặng.

Khám lâm sàng: Giai đoạn sớm của bệnh khám phổi có thể bình thường. Cần đo chức năng thông khí ở những đối tượng có yếu tố nguy cơ ngay cả khi thăm khám bình thường để chẩn đoán sớm COPD.

Khi phát hiện bệnh nhân có các triệu chứng nghi ngờ COPD cần chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế có điều kiện (tuyến tỉnh, tuyến Trung ương) để làm thêm các thăm dò: đo chức năng thông khí, chụp Xquang phổi, điện tim để chẩn đoán xác định và loại trừ những nguyên nhân khác có triệu chứng lâm sàng giống COPD. Đặc biệt, bệnh nhân nên dừng hút thuốc (nếu hút thuốc) và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, yêu cầu mọi người không hút thuốc trong nhà. Cố gắng tránh xa những người, những nơi làm bạn muốn hút thuốc. Nếu hút thuốc trở lại, hãy cố gắng bỏ thuốc lần nữa. Một số người phải bỏ thuốc nhiều lần mới bỏ được vĩnh viễn. 



Có thể yêu cầu sự trợ giúp từ nhân viên y tế giúp bệnh nhân ngừng hút thuốc Đồng thời phải tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ; Định kỳ khám bác sĩ hàng tháng để được đánh giá lại tình trạng bệnh, kê đơn thuốc và tư vấn bệnh. Hãy gọi cấp cứu y tế nếu thấy bất kỳ các dấu hiệu sau: khó thở nhiều hoặc tái khám cấp cứu, đi lại thấy nhanh mệt hơn trước, tím môi hoặc móng tay phù chân nhịp tim rất nhanh hoặc bất thường thuốc đang dùng trở nên không có tác dụng hoặc tác dụng không kéo dài, tiếp tục khó thở và thở nhanh... Giữ môi trường trong nhà luôn sạch. Tránh xa những thứ như khói thuốc, bụi...; Luôn giữ cho cơ thể khỏe mạnh tập luyện thể dục đều đặn và có chế độ ăn phù hợp. Nếu tình trạng bệnh nặng, lập kế hoạch hoạt động phù hợp với tình trạng khó thở. Dùng các loại vắc-xin phòng đợt cấp do nhiễm trùng theo chỉ dẫn của nhân viên y tế...

Quách Hồng Hạnh

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Chủ đề được quan tâm

Bí quyết sống khỏe Bí quyết sống khỏe Thứ năm, 14:36:42 09/07/2020
Món ngon giữ lửa yêu Món ngon giữ lửa yêu Thứ năm, 14:35:27 09/07/2020
Bệnh trẻ em Bệnh trẻ em Thứ năm, 14:33:41 09/07/2020
Bệnh phụ nữ Bệnh phụ nữ Thứ năm, 14:31:57 09/07/2020
Bài thuốc hay Bài thuốc hay Thứ năm, 14:30:51 09/07/2020

Video nổi bật

Sản phẩm mới