Một cách hiệu quả giúp trẻ thông minh hơn không thể không biết

Thứ Ba, 17:45:06 18/12/2018
Những khối xếp hình, bóng và cả những chiếc cốc xếp chồng là 3 món đồ chơi tốt nhất, giúp kích thích trí thông minh ở trẻ..

Dạo bước trong nhà tôi vào một ngày bất kỳ, bạn có thể bắt gặp bữa tiệc xếp hình lớn nhất thế giới. 3 nhóc nhà tôi, lần lượt 1 tuổi, 2 tuổi và 5 tuổi đang bận rộn và vui vẻ với đống đồ chơi xếp hình khổng lồ. Bọn trẻ thường không xếp hình cùng nhau, mỗi đứa tập trung vào công việc của mình, một cách chăm chú và đầy quyết tâm.

Và nếu không chơi xếp hình, bọn trẻ sẽ chọn chơi bóng. Bạn có biết những đồ chơi này có gì mà khiến bọn trẻ tập trung, say sưa đến vậy? Và có lẽ bạn cũng sẽ đặt câu hỏi: có nên phát triển trí thông minh cho trẻ với các tấm thẻ hình hay chỉ đơn giản là để chúng chơi với các khối xếp hình và trái bóng?

Đừng đánh giá thấp những khối xếp hình

Trò chơi xếp hình chẳng khác nào những viên vitamin tổng hợp với trẻ em

Trò chơi xếp hình chẳng khác nào những viên vitamin tổng hợp với trẻ em

Công dụng của khối xếp hình về mặt giáo dục trẻ chẳng khác nào những viên vitamin tổng hợp. Trẻ chơi xếp hình không chỉ rèn luyện và thuần thục các kỹ năng vận động mà còn học được mọi thứ, từ những khái niệm toán học cơ bản tới cách giải quyết vấn đề.

Một nghiên cứu thậm chí còn chỉ ra rằng, trẻ ở độ tuổi mẫu giáo nếu thường xuyên chơi xếp hình sẽ có điểm toán và kết quả các môn thi cao hơn trẻ không được chơi xếp hình khi chúng lên cấp hai. Sharon MacDonald, chuyên gia đào tạo giáo viên theo chương trình giáo dục sớm kiêm tác giả cuốn 'Block Play', giải thích: 'Khi trẻ chơi xếp hình, trẻ phát triển được những hiểu biết về phân số, hình dạng và số đếm'.

3 giai đoạn chơi xếp hình:

Giai đoạn đầu tiên:

Giai đoạn này được MacDonald mô tả là 'nhấc, mang và cầm nắm'. Bé 2 tuổi có thể chẳng xây được gì từ những khối xếp hình đó nhưng bé có thể xếp chồng chúng lên nhau, chở chúng đi bằng xe tải đồ chơi và làm rơi chúng.

Trong quá trình ấy, bé học được về trọng lượng, sự cân bằng. Tất nhiên, bài học yêu thích của một em bé 2 tuổi có lẽ vẫn là bài học gây ầm ĩ và lộn xộn nhất: trọng lực.

Trước sự giận dữ của anh/chị lớn hơn, bé 2 tuổi nhanh chóng nhận ra niềm vui trong khi phá bỏ một công trình. 'Trẻ thích các trật tự và cấu trúc nhưng ở tuổi nhỏ hơn, chúng thậm chí còn thích tạo ra sự hỗn loạn hơn', MacDonald nhận định. 'Chỉ bằng việc đặt một khối hình lên trên một khối khác, trẻ học được rằng những thứ không đứng vững được sẽ dễ dàng bị đổ và ngược lại'.

Giai đoạn thứ 2:

Trước khi mừng sinh nhật 3 tuổi, trẻ sẽ bước vào giai đoạn thứ hai của chơi xếp hình: 'xếp chồng và xếp hàng'. Giờ thì bé có thể xếp các khối theo chiều dọc hoặc đặt chúng nằm ngang thành dãy. Bé vẫn chưa xây với mục đích cụ thể nào đó nhưng bắt đầu cố gắng tạo ra các hình thù rõ rệt. Hình đầu tiên thường là các khối hình giống nhau được đặt kế tiếp nhau trên sàn, sau đó, bé có thể xếp 1 hình vuông rồi tới 1 hình chữ nhật, cứ thế nối nhau.

Ở giai đoạn tiếp theo, 'bắc cầu', bé bắt đầu tự tạo những cấu trúc đơn giản của riêng mình. Bé có thể đặt hai khối hình xuống và đặt khối thứ ba vào khoảng trống giữa hai khối. Bên cạnh việc học được cách giữ thăng bằng, bé bắt đầu trải nghiệm tính đối xứng. Việc 'bắc cầu' sẽ dẫn tới tính 'khép kín'. Bạn không thể xây dựng mà không có khả năng tổ chức, sắp xếp và kết nối các khoảng cách, không gian. Làm thế nào để làm đầy khoảng trống đó? Đó là một câu hỏi phức tạp, đòi hỏi bé phải tìm ra bao nhiêu khối hình to và nhỏ để sử dụng và hoàn thành công việc. Bé không chỉ đang lên kế hoạch trước mà còn sẽ tìm cách giải quyết vấn đề.

Chơi với trái bóng

Bóng cũng là một trong những món đồ kích thích sự phát triển của trí não trẻ

Bóng cũng là một trong những món đồ kích thích sự phát triển của trí não trẻ

Khối xếp hình không phải đồ chơi tuyệt vời duy nhất cho sự phát triển trí thông minh của bé. Ngay cả trẻ sơ sinh cũng có thể bám theo một quả bóng bằng ánh mắt chăm chú khi nó lăn trên sàn nhà. Khi làm vậy, theo giải thích của Maureen Maiocco, giám đốc chương trình giáo dục sớm tại SUNY Canton, New York (Mỹ), trẻ 'phải theo phương hướng và dự đoán vị trí của quả bóng khi nó lăn về phía mình'. Kiểu theo vết bằng thị giác này giúp kết nối chuyển động của mắt bé với chuyển động của cơ thể. Hơn nữa, việc dự đoán khi nào trái bóng xuất hiện trở lại sẽ củng cố ý tưởng một thứ gì đó rời khỏi tầm mắt không có nghĩa là sẽ biến mất vĩnh viễn.

Khi trẻ lớn hơn và có thể bò theo trái bóng, trẻ sẽ có nhận thức về không gian. Quả bóng cách mình bao xa? Cơ thể mình có liên hệ gì với nó? Khi trẻ đến tuổi tới lớp mẫu giáo, nhận thức về không gian dẫn tới suy nghĩ logic. Giờ thì bé bắt đầu xác định xem ném bóng khó hay dễ, theo hướng nào vì bé đã thành thạo kỹ năng cầm nắm, đón bắt hơn.

Bé có thể qua trò chơi với trái bóng để khám phá sâu hơn vào lĩnh vực khoa học. Khi thả quả bóng lăn xuống một đường trượt, bé nhận ra những quả bóng kích cỡ khác nhau thì lăn với tốc độ khác nhau.

Cốc xếp chồng

 Trò chơi với cốc xếp chồng sẽ giúp bé có thêm cảm nhận ban đầu về khoa học

Trò chơi với cốc xếp chồng sẽ giúp bé có thêm cảm nhận ban đầu về khoa học

Khi con tôi chơi với cốc xếp chồng, tôi rất thích hình dung tới nó như là việc luyện kỹ năng lấy chén bát ra khỏi máy rửa. Nhưng thực tế thì các con tôi đã rèn luyện được rất tốt kỹ năng toán và khoa học. Đôi khi, giữa sinh nhật 1 tuổi và 2 tuổi, bé có thể đặt chồng các cốc lên nhau. Thường thì bé xếp không theo trật tự nào nhưng bắt đầu hiểu ra mối quan hệ về kích thước. Đừng gây áp lực để bé phải làm đúng ngay từ đầu. Khi lớn hơn, bé sẽ nhận ra, nếu bạn đặt cốc nhỏ trong lòng cốc lớn thì cốc nhỡ sẽ không vừa nữa. Bé bắt đầu hiểu về trật tự sắp xếp trước sau.

Bé có thể dành hàng giờ đổ đầy cát hoặc nước vào cốc rồi lại trút hết ra. Khi bé dần để ý đến sự khác biệt giữa cốc đầy và cốc trống không, bé sẽ có hiểu biết đầu tiên về thể tích. Bé sẽ nhận ra có thể đổ nhiều cốc cát nhỏ vào trong cốc lớn nhất, nhưng khi trút cát từ cốc lớn nhất vào cốc nhỏ nhất thì sẽ tạo thành một dòng thác.

Việc thêm nước vào trò chơi với cốc xếp chồng sẽ giúp bé có thêm cảm nhận ban đầu về khoa học. Nếu bạn rót nước từ vật chứa này sang vật chứa có hình dạng khác, bạn vẫn sẽ có lượng nước như vậy. Nếu không trực tiếp chơi bằng tay, phần lớn trẻ sẽ nói với bạn rằng vật chứa lớn hơn sẽ chứa nhiều nước hơn.

Hoàng Thu Thảo

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Chủ đề được quan tâm

Bí quyết sống khỏe Bí quyết sống khỏe Thứ năm, 14:36:44 09/07/2020
Món ngon giữ lửa yêu Món ngon giữ lửa yêu Thứ năm, 14:35:22 09/07/2020
Bệnh trẻ em Bệnh trẻ em Thứ năm, 14:33:47 09/07/2020
Bệnh phụ nữ Bệnh phụ nữ Thứ năm, 14:31:53 09/07/2020
Bài thuốc hay Bài thuốc hay Thứ năm, 14:30:53 09/07/2020

Video nổi bật

Sản phẩm mới