'Hãm' trẻ trong hoạt động tĩnh vì sợ bị tăng động, nguyên nhân do đâu?

Thứ tư, 05:35:04 21/11/2018
Bố mẹ không hiểu rõ về trẻ hiếu động hay tăng động có thể dẫn đến định hướng sai trong việc phát triển khả năng trẻ.

Trẻ quá hiếu động khiến bố mẹ lo lắng không biết có phải bị tăng động giảm chú ý hay không. Trẻ 'động' quá thì bố mẹ lại tìm nhiều cách để 'giam' con trong hoạt động tĩnh. Như vậy là hoàn toàn sai lầm.

Bố mẹ cần phân biệt hiếu động với tăng động. Trẻ hiếu động là trẻ hay nghịch ngợm, nghĩ ra nhiều trò. Những trò chơi của trẻ đổi mới liên tục, có sự tìm tòi hay sáng tạo dù đôi khi bố mẹ cho rằng đó là quậy phá. Nhưng nếu bố mẹ nhắc nhở thì trẻ nghe lời, lần sau không làm thế nữa. Trẻ dù mất tập trung trên lớp nhưng vẫn có thể tiếp thu kiến thức và hoàn thành bài vở thì không phải tăng động.

Trẻ tăng động cũng hay nghịch ngợm không yên nhưng thường không biết là mình đang làm gì. Điểm dễ phân biệt nhất với trẻ hiếu động là trẻ tăng động gần như không có bạn bè, gặp khó khăn trong việc nói chuyện với người khác như không thể ngồi yên để nghe. Các hoạt động cần sự tập trung như học tập hay phải ngồi một chỗ là việc khó khăn đối với trẻ tăng động. Trẻ cũng hay lặp đi lặp lại một hành động mà không có sự sáng tạo, đổi mới nào. Trẻ khó kiềm chế được cảm xúc, không biết rút kinh nghiệm và ít nghe lời nhắc nhở. 

Chị Hà Thu, 32 tuổi, than thở con trai chị, 8 tuổi, không lúc nào chịu ngồi yên: 'Cháu rất hiếu động nhưng khi vẽ tranh hay học tiếng Anh thì rất say mê. Lúc chơi tự do cháu lại nghịch ngợm quá, trên lớp cũng hay bị mất tập trung'. Chị muốn hướng con vào các hoạt động tĩnh để tránh bị tăng động nhưng lại sợ bé trai nhà mình mệt mỏi nhanh chán.

Chị Hà Thu cũng giống như nhiều phụ huynh khác, thấy con nghịch ngợm quá sợ bị tăng động nên tìm cách 'hãm' lại. Tuy nhiên, trẻ nghịch ngợm nhưng vẫn có khả năng tập trung vào một số hoạt động nào đó thì bố mẹ không cần phải quá lo lắng.

Trẻ hiếu động mà bị dồn quá nhiều vào các hoạt động tĩnh, năng lượng không được thoát ra mà bị dồn nén lại nên đến lúc được chơi sẽ càng phá hơn.

Lời khuyên cho các bé hiếu động là bố mẹ nên cho bé đi tập thể thao. Nhiều bố mẹ chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Hãy cho trẻ đi xem tất cả các môn thể thao để chọn môn yêu thích. Khi chơi thể thao, năng lượng được giải tỏa, trẻ sẽ bớt nghịch hơn khi ở nhà hay trên lớp. Trẻ cũng sẽ khỏe mạnh hơn và ăn ngon miệng hơn.

Trẻ hiếu động thường rất thông minh và sáng tạo. Hãy tôn trọng sở thích và thói quen của trẻ chứ đừng sợ bị tăng động mà kìm hãm sự phát triển của trẻ.

Đỗ Thị Hân

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Chủ đề được quan tâm

Bí quyết sống khỏe Bí quyết sống khỏe Thứ năm, 14:36:42 09/07/2020
Món ngon giữ lửa yêu Món ngon giữ lửa yêu Thứ năm, 14:35:23 09/07/2020
Bệnh trẻ em Bệnh trẻ em Thứ năm, 14:33:41 09/07/2020
Bệnh phụ nữ Bệnh phụ nữ Thứ năm, 14:31:55 09/07/2020
Bài thuốc hay Bài thuốc hay Thứ năm, 14:30:47 09/07/2020

Video nổi bật

Sản phẩm mới