7 điều tuy đơn giản nhưng mang lại hiệu quả bất ngờ cho con bạn

Thứ năm, 23:51:07 22/11/2018
Cách bảo vệ con tốt nhất không phải là giải quyết tất cả mọi việc thay con mà chính là dạy con cách tự giải quyết những khó khăn của mình.

Bảo vệ con cái là bản năng của những người làm cha làm mẹ Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể ở bên các con, và trong nhiều tình huống, chúng cần phải tự xoay xở, giải quyết những vấn đề của mình.

Vậy nên, việc dạy con xử lý khó khăn ngay từ nhỏ là điều hoàn toàn cần thiết và vô cùng quan trọng, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của con sau này. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra 7 điều mà cha mẹ cần nhớ phải dạy con để chúng hạnh phúc, tự tin và vững vàng trên đường đời.

1. Học cách nói từ chối

Tình huống: Bạn cùng lớp muốn con bạn cho chép bài khi làm bài kiểm tra. Nếu con bạn đồng ý giúp, cô giáo sẽ nhận được hai bài kiểm tra có nội dung y hệt nhau và kết quả là cả hai cùng bị trừ điểm.

Giải pháp: Giải thích cho con bạn rằng để đạt được kết quả tốt khi làm bài kiểm tra, con đã phải cố gắng nỗ lực rất nhiều. Và nếu con đồng ý cho bạn chép bài của mình thì tức là con đã không tôn trọng công sức của chính mình, đồng thời để cho người bạn hưởng lợi trên công sức của bản thân. Hãy dạy cho con bạn cách từ chối nhẹ nhàng như 'Tớ vẫn chưa làm xong bài, cậu đừng làm tớ phân tâm.' Câu trả lời hợp lý như vậy sẽ giúp con bạn thêm tự tin, đồng thời khiến không ai có thể điều khiển chúng.

2. Học cách phản kháng

Tình huống: Con bạn bị bạn cùng lớp bắt nạt, chế giễu và mang ra làm trò đùa. Điều này khiến con bị tổn thương, sợ hãi và không muốn đi học nữa.

Giải pháp: Trong những trường hợp như này, cha mẹ không nên can thiệp trực tiếp quá sâu vào cuộc xung đột để tránh làm mọi việc tồi tệ hơn. Hãy giải thích với con mình rằng, vấn đề nằm ở những kẻ bắt nạt con, bởi những bạn đó đang muốn thể hiện quyền lực, gây ấn tượng với người khác bằng cách khiến con đau khổ, sợ hãi. Vậy nên, cách phản kháng tốt nhất là đừng để mình bị ảnh hưởng, khó chịu bởi những lời nói, trò đùa đó. Hãy cười và nhìn thẳng vào mắt kẻ bắt nạt mình, để cho chúng thấy rằng con chẳng hề quan tâm. Sau đó, những đứa trẻ bắt nạt sẽ mất hứng thú và không bắt nạt con nữa.

3. Điểm số không phải là thứ quan trọng nhất

Tình huống: Mỗi khi con bạn bị điểm kém, con thường khóc lóc vì sợ hãi và không biết phải làm thế nào. Con cũng không dám báo với phụ huynh điểm số vì sợ bị trách mắng.

Giải pháp: Nhiều phụ huynh làm con cái sợ hãi do trách mắng con rất nặng khi chúng bị điểm thấp. Tất nhiên, việc học tập tiếp thu kiến thức rất quan trọng nhưng việc khiển trách, la rầy con thậm tệ khi chúng bị điểm kém là không nên. Đừng để con sợ hãi chính cha mẹ chúng. Hãy cho chúng thấy rằng tình yêu của bạn dành cho con còn lớn hơn điểm số. Thay vì khiển trách, hãy an ủi và khích lệ chúng: 'Con không đạt điểm cao hả? Đừng buồn nhé, lần sau con sẽ làm tốt hơn mà!'. Những lời nói của bạn sẽ ảnh hưởng lớn tới tương lai của con, giúp con vững vàng vượt qua các khó khăn sau này.

4. Giúp đỡ những người 'yếu thế' hơn mình

Tình huống: Con bạn nhìn thấy bạn cùng lớp đang bắt nạt một bạn học khác. Con bạn biết rằng hành vi đó là sai, nhưng không biết phải làm như thế nào để có thể giúp đỡ người bị bắt nạt, và con cũng khá sợ hãi khi muốn giúp.

Giải pháp: Nhiều trẻ em sợ đứng ra bảo vệ những người yếu thế hơn mình vì chúng không muốn mình trở thành nạn nhân. Tương tự, có vô số người lớn cũng có nỗi sợ như thế. Đó là lý do chúng ta nên dạy cho con bài học về sự thông cảm, sẻ chia và sẵn sàng giúp đỡ. Hãy bắt đầu từ việc giúp đỡ những người thân thiết với chúng, như anh chị em, hay thú cưng, để chúng học cách chịu trách nhiệm và sẻ chia với mọi người.

5. Yêu những gì mình làm

Tình huống: Các luật lệ ở trường, bài tập chồng chất, kiến thức quá nặng khiến con bạn mệt mỏi kiệt sức Sau khi về nhà, chúng chỉ muốn được nghỉ giải lao hoặc đi chơi với bạn bè.

Giải pháp: Cha mẹ luôn muốn con mình thật giỏi, nên họ thường ép con học quá nhiều. Nhưng hành động đó sẽ khiến con bị tước mất những thú vui, sở thích, những điều chúng thật sự muốn làm. Mỗi ngày, hãy dành cho con bạn một giờ để làm những điều chúng thật sự muốn như chơi điện tử, chơi thể thao hoặc làm thủ công, bất kỳ điều gì chúng muốn.

6. Thể thao là một phần của cuộc sống

Tình huống: Con bạn quá nhút nhát và chỉ muốn nằm lì trong nhà thay vì đi chơi với bạn bè.

Giải pháp: Hãy cho con bạn đi chơi những môn thể thao đồng đội. Một nhóm bạn cùng sở thích sẽ ảnh hưởng tốt tới con. Hơn nữa, chơi thể thao sẽ giúp con tự tin, mạnh dạn hơn. Và một điều rất quan trọng, đó là hãy cho con chơi những gì con muốn, thật sự yêu thích. Hãy hỏi con và lắng nghe ý kiến của chúng. Ví dụ như con bạn thích nhảy, hãy cho con đi học nhảy, đừng bắt chúng chơi bóng đá. Nếu không, con bạn sẽ ghét mọi thứ liên quan tới thể thao.

7. Yêu bản thân nhiều hơn

Tình huống: Con bạn hay so sánh mình với người khác và tỏ ra tự ti vì một điểm nào đó con bạn không bằng bạn bè.

Giải pháp: Tất cả trẻ em đều muốn mình tài giỏi và thu hút. Vậy nên, đừng quên khích lệ chúng, củng cố sự tự tin của trẻ bằng những lời khen. Nếu con bạn có thần tượng, hãy cho chúng xem ảnh hồi nhỏ của thần tượng. Như vậy, con bạn sẽ hiểu rằng điều khiến con tuyệt vời không phải là sự hoàn hảo, mà chính là bởi sự độc đáo, cá tính của con.

Phạm Trung Hiếu

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Chủ đề được quan tâm

Bí quyết sống khỏe Bí quyết sống khỏe Thứ năm, 14:36:43 09/07/2020
Món ngon giữ lửa yêu Món ngon giữ lửa yêu Thứ năm, 14:35:26 09/07/2020
Bệnh trẻ em Bệnh trẻ em Thứ năm, 14:33:42 09/07/2020
Bệnh phụ nữ Bệnh phụ nữ Thứ năm, 14:31:54 09/07/2020
Bài thuốc hay Bài thuốc hay Thứ năm, 14:30:46 09/07/2020

Video nổi bật

Sản phẩm mới