Hướng dẫn cân bằng dinh dưỡng ngày tết đề phòng bệnh tật, các bạn tham khảo thêm nhé!

Thứ Hai, 07:30:06 26/11/2018
Làm thế nào để bảo quản thực phẩm được ngon, ăn uống hợp lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và sức khỏe? Tết Nguyên đán đang cận kề, nhà nhà lo mua sắm thực phẩm dự trữ cho hơn 1 tuần lễ được nghỉ ngơi. Vậy làm gì để bảo quản thực phẩm được ngon, ăn uống hợp lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và sức khỏe?

Đừng biến tủ lạnh thành... ổ vi khuẩn

Tâm lý của mọi người là “no ba ngày tết” nên ai cũng dự trữ nhiều thực phẩm… Đương nhiên, ngoài những dụng cụ dự trữ thủ công, tủ lạnh luôn được phát huy hết công suất. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, thức ăn tết thường được chế biến và dự trữ để ăn nhiều ngày nên rất dễ bị ôi thiu, lên mốc. Vì vậy, không cần thiết mua, dự trữ và nấu quá nhiều thức ăn chế biến sẵn trong ngày tết nếu điều kiện bảo quản không thật tốt, an toàn.

Thực phẩm sau khi mua về cần làm sạch và bảo quản đúng cách như thịt cá tươi sống cần được bảo quản ở ngăn đá. Với rau nếu muốn bảo quản lâu, sau khi bỏ lá rau sâu, lá dập, cắt bỏ phần rễ, rửa sạch cho vào bao xốp cột kín rồi để ở ngăn mát tủ lạnh. Trái cây rửa sạch để ráo, cho vào bao xốp trước khi cất tủ lạnh. Đối với thức ăn nấu chín, cần để nguội hẳn, đậy kín và cất vào tủ lạnh.

Cần bảo quản thức ăn sống và chín vào những hộp riêng biệt. Các món ăn như thịt kho hột vịt, cá lóc kho, măng hầm chân giò khổ qua dồn thịt... nấu đủ ăn 2-3 bữa, không nên hầm đi hầm lại nhiều lần. Các món chiên, quay, rôti để trong hộp lớn, chế ngập dầu mỡ để ngăn mát, khi ăn lấy đủ phần ăn hâm lại.

Theo các chuyên gia Trung tâm dinh dưỡng TPHCM, một số mẹo bảo quản thực phẩm ngày tết cần được lưu ý như bánh chưng không nên bảo quản tủ lạnh vì bị lại gạo. Bánh nên treo chỗ thoáng mát, tránh chỗ nóng hay ẩm ướt.

Các loại củ không nhất thiết bỏ vào tủ lạnh, chỉ cần xếp xuống sàn nhà chỗ râm mát như gầm giường, gầm chạn… có thể giữ được đến 12 ngày. Nếu không có tủ lạnh, rau ăn lá cho vào túi ni lông đục lỗ và để chỗ khô, mát.

Theo BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TPHCM, việc bảo quản kín sẽ giúp thức ăn không bị khô, không bị bốc mùi, không lây nhiễm vi sinh vật sang các món ăn khác. Khi để nhiều thức ăn trong tủ lạnh, cần chỉnh lại nhiệt độ (tăng độ lạnh), nếu không đủ độ lạnh, thức ăn sẽ mau hư. BS Diệp cho rằng nên bỏ thói quen để nguyên đĩa, bát đựng thức ăn thừa không đậy nắp cho vào tủ lạnh bảo quản vì dễ làm tủ lạnh bị ô nhiễm.

“Do thức ăn không đậy kín, mùi đồ ăn và chất mặn bốc hơi được hút vào hệ thống dàn bay hơi, làm han gỉ quạt và dàn vi khuẩn từ các đồ ăn chưa được làm sạch tươi sống sẽ lây nhiễm vào các đồ ăn chín khác có trong tủ lạnh. Điều này có thể khiến người sử dụng bị rối loạn tiêu hóa nhiễm độc khi mang đồ ăn chín này ra ăn mà không đun nấu lại”, BS Diệp cho biết.

Bên cạnh đó, thói quen đi chợ mua trứng gà, vịt về vẫn còn bám dính vết bẩn từ chuồng nuôi; rau quả chứa hóa chất từ lượng phân bón dư cho tới thuốc trừ sâu; thịt, cá chứa vi khuẩn gây nhiều loại dịch bệnh khác nhau... cứ xếp vào tủ, không cho vào từng túi ni lông hay hộp chứa riêng sẽ khiến tủ lạnh thành ổ chứa vi trùng và dịch bệnh. Thịt cá tươi muốn để lâu nên bảo quản lạnh từ 0°C - 4°C. Giò chả nếu nguyên cây phải bảo quản ở 0°C - 7°C, dùng được 7 - 10 ngày.

Ăn hợp lý để ngừa bệnh

Rượu bia và thức ăn thừa đạm, chất béo, ngọt khiến không ít người bị rối loạn tiêu hóa thậm chí bị tiêu chảy nặng, ngộ độc. Đó là cảnh báo mà các bác sĩ Trung tâm dinh dưỡng TPHCM đưa ra. Đặc biệt, đối với những người đang mắc các bệnh tiểu đường tim mạch, huyết áp… cần cẩn trọng và tuân thủ khẩu phần ăn thường ngày.

Để tránh mắc bệnh hoặc ảnh hưởng sức khỏe do thức ăn gây nên, theo BS Nguyễn Thị Lâm (Viện dinh dưỡng quốc gia) phải chú ý đến văn hóa ẩm thực Việt Nam trong những ngày tết cổ truyền, đó là phối hợp ăn uống cho hợp lý.

Chẳng hạn ăn bánh chưng, bánh tét phải kèm theo dưa hành bởi các loại bánh này rất giàu năng lượng. Do đó, ở người thừa cân cao huyết áp tiểu đường bệnh lý dạ dày có tăng tiết dịch vị… không nên dùng nhiều bánh chưng, bánh tét.

Còn “ngày 30 Tết thịt heo treo trong nhà”, là văn hóa ẩm thực tết cổ truyền Việt Nam. Nhiều món ăn được chế biến từ thịt heo như thịt đông, giò, chả… Tuy nhiên, cần cân đối khẩu phần từ thịt, nhất là những người có một bệnh lý nền như thừa cân, cao huyết áp bệnh tim mạch tiểu đường rối loạn chuyển hóa mỡ.

Theo BS Nguyễn Thị Lâm, nên ăn 100g thịt mỗi ngày là đủ đối với những người mắc các bệnh lý trên. Các loại giò lụa, giò thủ… cũng hay được dự trữ trong tủ lạnh vào dịp tết, cung cấp chủ yếu chất đạm cho bữa ăn, riêng với giò thủ thì thành phần chất béo cao hơn, chủ yếu là acid béo no bão hòa nên cũng tránh dùng cho những người có vấn đề về huyết áp tim mạch và các bệnh lý chuyển hóa mỡ.

Các loại thức ăn khô như tôm khô, lạp xưởng, vịt muối, khô bò, khô cá cũng thường được dùng trong dịp tết, nhìn chung đều khá mặn, một số quá béo nên cũng không tốt cho những người cần kiêng muối và mỡ.

Đỗ Thị Hân

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Chủ đề được quan tâm

Bí quyết sống khỏe Bí quyết sống khỏe Thứ năm, 14:36:36 09/07/2020
Món ngon giữ lửa yêu Món ngon giữ lửa yêu Thứ năm, 14:35:18 09/07/2020
Bệnh trẻ em Bệnh trẻ em Thứ năm, 14:33:47 09/07/2020
Bệnh phụ nữ Bệnh phụ nữ Thứ năm, 14:31:53 09/07/2020
Bài thuốc hay Bài thuốc hay Thứ năm, 14:30:54 09/07/2020

Video nổi bật

Sản phẩm mới