Bệnh tay chân miệng gia tăng do hiểu sai về đường lây truyền

Thứ bảy, 14:56:05 17/11/2018
Những quan niệm và hiểu sai về đường lây nhiễm khiến bệnh tay chân miệng gia tăng.

Mỗi ngày Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM tiếp nhận 50-60 trẻ bị mắc bệnh tay chân miệng Hầu hết trẻ bị sốt, sau đó nổi ban ở lòng bàn tay bàn chân, lở miệng, một số em xuất hiện thêm ở gối hoặc vùng mông, khuỷu tay.

BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 cảnh báo: “Chỉ trong vòng 2 tuần qua, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện đã tăng gấp đôi”.

Theo BS Khanh, vào tháng 6, tháng 7, số ca tay chân miệng phải nằm nội trú trong khoa chỉ ở mức 30-40 ca/ngày, nhưng từ giữa tháng 8 tới nay đã tăng lên 80 ca/ngày nằm nội trú . Riêng tại Phòng hồi sức tích cực đang có 2 ca tay chân miệng nặng do biến chứng phải thở máy, các ca này đều do cha mẹ hoặc thầy cô giáo ở trường mầm non lơ là, chủ quan vì cho rằng, thời điểm hiện tại không phải là dịch tay chân miệng. Vì thế, khi thấy trẻ có dấu hiệu lở miệng, nổi bóng nước, sốt nhẹ… đã bỏ qua tới khi bệnh diễn tiến quá nhanh, đưa vào viện đã trong tình trạng nặng, gây khó khăn cho công tác điều trị.

Cũng theo BS Khanh, tại Việt Nam, tay chân miệng có 2 mùa dịch. Đợt 1 vào tháng 4, 5, 6 và đợt 2 vào tháng 9, 10, kéo dài tới đỉnh dịch là tháng 11, tháng 12. Điểm đáng chú ý của tay chân miệng là bệnh lây lan không liên quan tới vấn đề vệ sinh mà bệnh lây qua vi rút đường tiêu hóa từ người mang vi rút sang người lành, nhất là trong khâu trực tiếp chăm sóc trẻ  

Tại trường học hay tại các nhóm trẻ gia đình xảy ra dịch khi trẻ nhiễm vi rút lây cho trẻ khác khi trẻ ngồi chơi với nhau, lây qua nước miếng do văng, bắn vào nhau. Đặc biệt thói quen mớm cơm cho con nít là nguyên nhân gây lây bệnh từ người lớn sang trẻ em rất cần được chú ý.  

BS Khanh lưu ý, loại vi rút này tương đối bền, có thể sống ở tay nắm cửa, lưu giữ trên đồ chơi, bàn học rất lâu. Do đó, trong trường học nếu xảy ra các ca nhiễm tay chân miệng thì trẻ bệnh phải được nghỉ học, cách ly đến trường tối thiểu 10 ngày, trong trường phải phòng ngừa ngay bằng vệ sinh khử khuẩn bằng Cloramin B và phải làm thường xuyên.

BS Khanh cũng phân tích: Có bé có vết lở miệng, sốt khóc quấy rất dễ nhận biết bệnh tay chân miệng nhưng có bé bị bệnh này lại có biểu hiện rất “kín đáo” như chỉ nổi vài mụn nước nhỏ xíu ở lòng bàn tay, chân. Do vậy, việc quan trọng nhất là cần phát hiện sớm trẻ mắc bệnh. 

Những triệu chứng của tay chân miệng như sốt nhẹ 2 ngày, sau hết sốt thì bỏng miệng, có bé bị bỏ ăn, sau đó nổi mẩn, bỏng nước hoặc sốt cao khó hạ, nôn ói nhiều, ngủ giật mình chới với. Ngoài ra một số bé bị run tay, run chân, nổi bong, nổi vân, tay chân lạnh thì là dấu hiệu tay chân miệng quá nặng, có biến chứng. Nếu không được điều trị kịp thời, tay chân miệng biến chứng thường để lại di chứng rất nặng nề như viêm não hay chậm phát triển trí tuệ…

Trẻ càng nhỏ thì mức độ mắc tay chân miệng càng nặng. Thông thường, trẻ dưới 3 tuổi dễ mắc bệnh, với những trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi bị tay chân miệng thường ở thể nặng và nguy hiểm vì diễn tiến rất nhanh. Bệnh nhân dễ bị chẩn đoán nhầm là viêm họng viêm màng não hay sốt siêu vi, vì thế cần rất chủ ý đến các triệu chứng của trẻ để có các biện pháp xử lý kịp thời.

Phạm Trung Hiếu

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Chủ đề được quan tâm

Bí quyết sống khỏe Bí quyết sống khỏe Thứ năm, 14:36:43 09/07/2020
Món ngon giữ lửa yêu Món ngon giữ lửa yêu Thứ năm, 14:35:22 09/07/2020
Bệnh trẻ em Bệnh trẻ em Thứ năm, 14:33:43 09/07/2020
Bệnh phụ nữ Bệnh phụ nữ Thứ năm, 14:31:54 09/07/2020
Bài thuốc hay Bài thuốc hay Thứ năm, 14:30:50 09/07/2020

Video nổi bật

Sản phẩm mới