Những dấu hiệu để nhận biết bệnh khô mắt và cách khắc phục

Thứ năm, 09:44:01 06/09/2018
Khô mắt là một căn bệnh khá phổ biến trong cuộc sống ngày nay, nhưng hầu hết chúng ta chưa nhận biết được và chưa hiểu hết về khô mắt.

Khô Mắt – là sự rối loạn của màng phim nước mắt, xảy ra khi nước mắt không thể cung cấp đầy đủ độ ẩm cho mắt. Trong đó, nước mắt, có vai trò bôi trơn và bảo vệ bề mặt nhãn cầu, đang giảm thiểu về mặt số lượng và chất lượng

Màng phim nước mắt là một màng mỏng gồm 3 lớp, có nhiệm vụ bao phủ và bôi trơn bề mặt nhãn cầu. Lớp ngoài cùng là lớp mỡ, có chức năng ngăn ngừa nước mắt bốc hơi và đóng vai trò thiết yếu trong chất lượng của phim nước mắt.

Lớp giữa là lớp nước trong suốt, đảm bảo cung cấp oxy cho biểu mô giác mạc có tính sát trùng nhẹ làm cho giác mạc trơn nhẵn, rửa trôi bụi bẩn. Lớp trong cùng là lớp nhầy, có chức năng giữ cho lớp nước trải đều trên bề mặt nhãn cầu, khiến giác mạc luôn được làm ẩm. Khi một trong các thành phần trên của phim nước mắt có sự thay đổi sẽ dẫn đến hiện tượng khô mắt.

Dấu hiệu của khô mắt

Cay, rát, cộm, xốn, khó nhắm khó mở, chớp mắt càng rát…, đó là một số dấu hiệu dễ nhận biết của khô mắt. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến bỏng rát mắt, mắt mờ, hạn chế tầm nhìn, và nặng hơn có thể gây viêm kết giác mạc loét giác mạc sẹo giác mạc, … rất khó phục hồi.

Bài kiểm tra đơn giản sau sẽ giúp bạn nhận biết khả năng bị khô mắt.

Bước 1: Chớp mắt 2 lần trước khi bắt đầu.

Bước 2: Không chớp mắt & đếm chậm lần lượt từ 1 đến 15.

 +  Nếu bạn chớp mắt khi chưa đếm đến 10 (tương đương với khoảng thời gian 10s), có thể bạn đã bị khô mắt.

Ngoài ra, bạn nên tham khảo thêm những dấu hiệu sau đây. Nếu bạn gặp phải 5 dấu hiệu trở lên, có thể bạn đã bị khô mắt.

- Mỏi mắt              - Mờ mắt                - Chảy nước mắt

- Ngứa mắt           - Nhức mắt             - Mắt cảm thấy nặng

- Rát mắt              - Cộm mắt              - Hoa mắt khi nhìn vào ánh sáng

- Đỏ mắt               - Mắt khó chịu

Những yếu tố ảnh hưởng gây khô mắt

- Nghề nghiệp: Theo các nghiên cứu, khoảng 60% nhân viên văn phòng mắc các bệnh lý về mắt, trong đó chủ yếu là khô mắt. Nguyên nhân do 70% thời gian làm việc của họ gắn liền với máy tính; phải làm việc cả ngày trong môi trường máy điều hòa.

- Thói quen sinh hoạt: Ngồi lâu bên máy vi tính hoặc xem tivi quá nhiều là một trong những thói quen xấu ảnh hưởng đến mắt. Việc chơi game từ 2 giờ trở lên mỗi ngày không chỉ khiến thị lực giảm mà còn gây khô mất, đặc biệt với trẻ nhỏ. Theo tổ chức Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), trẻ trên 2 tuổi không nên xem tivi quá 1-2 giờ mỗi ngày. Trẻ dưới 2 tuổi không nên xem tivi.

- Môi trường: Môi trường ô nhiễm, không khí khô nóng, dùng quạt hoặc máy điều hòa nhiệt độ, khói thuốc lá… có thể ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng của nước mắt.

- Tuổi & giới tính: Chức năng của tuyến lệ bị suy giảm do tình trạng lão hóa của cơ thể. Từ tuổi trung niên, lượng nước mắt tiết ra giảm 50% so với thời trẻ, nhất là ở phụ nữ do nội tiết tố giảm, đặc biệt ở giai đoạn tiền mãn kinh Sau phẫu thuật: Lasik điều trị tật khúc xạ phaco điều trị đục thủy tinh thể… hoặc sử dụng kính áp tròng thường xuyên. Dùng thuốc: hạ huyết áp lợi niệu, chống dị ứng an thần kinh…

Phòng ngừa và khắc phục bệnh khô mắt

- Sử dụng thuốc nhỏ mắt có độ nhờn cao: Loại có độ nhờn cao sẽ giúp bảo vệ bề mặt nhãn cầu, bổ sung và duy trì độ ẩm cho mắt, hạn chế các thành phần của nước mắt bốc hơi hiệu quả hơn. Ngoài ra, các chuyên gia khuyên dùng loại không có chứa chất bảo quản

- Giảm tập trung cho mắt, chớp mắt thường xuyên: Mắt luôn cần được nghỉ ngơi sau mỗi 30 phút làm việc. Bạn nên chớp mắt chậm, thường xuyên và nhiều lần giúp nước mắt được trải đều và làm ẩm bề mặt giác mạc.

- Đeo kính bảo vệ mắt: Bạn nên đeo kính ôm bảo vệ mắt, tránh để mắt tập trung cao. Với kính tiếp xúc, nên chọn và sử dụng kính đúng cách. Khi bơi lội, nên sử dụng kính bơi để hạn chế mắt tiếp xúc với hóa chất có trong nước hồ bơi.

- Uống nhiều nước: Duy trì uống 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày.

- Chườm mắt & massage mắt: Giúp mắt được thư giãn.

Nguyễn Thị Thuận

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Chủ đề được quan tâm

Bí quyết sống khỏe Bí quyết sống khỏe Thứ năm, 14:36:45 09/07/2020
Món ngon giữ lửa yêu Món ngon giữ lửa yêu Thứ năm, 14:35:24 09/07/2020
Bệnh trẻ em Bệnh trẻ em Thứ năm, 14:33:39 09/07/2020
Bệnh phụ nữ Bệnh phụ nữ Thứ năm, 14:31:54 09/07/2020
Bài thuốc hay Bài thuốc hay Thứ năm, 14:30:52 09/07/2020

Video nổi bật

Sản phẩm mới