Nguyên nhân bị bệnh bướu cổ do dùng iod không hợp lý

Thứ sáu, 08:42:05 14/09/2018
Chế độ ăn uống nhiều hay thừa iod đều có thể dẫn đến mắc bệnh bướu cổ Vì vậy, tùy theo từng địa phương để có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Bướu cổ là bệnh lý rất hay gặp trên thế giới và đặc biệt ở Việt Nam.

Chỉ riêng ở vùng Đông Nam Á đã có tới 176 triệu người (chiếm 13% dân số) bị bệnh bướu cổ. Ở Việt Nam, tuy chưa có số liệu thống kê chính thức về số bệnh nhân nhưng ở một số vùng có tỉ lệ người mắc bệnh khá cao từ 3% ở vùng ngoại ô Hà Nội đến 67% ở các tỉnh vùng núi như Lào Cai, Tây Nguyên...

Bướu cổ dịch tễ địa phương chiếm 80%

Ở một số khoa nội và ngoại tại các bệnh viện lớn ở TP.HCM, số lượng bệnh nhân đến điều trị bệnh bướu cổ khá đông, có thể chiếm đến 1/3 số bệnh nhân phẫu thuật ở một khoa ngoại.

Có nhiều loại bướu cổ, có loại cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng như: bướu cổ thông trung thất chèn ép khí quản gây khó thở; bướu cổ đi kèm hội chứng cường giáp ung thư tuyến giáp hay các loại bướu cổ đơn thuần và bướu cổ dịch tễ địa phương... Hay gặp nhất là bướu cổ dịch tễ địa phương thường chiếm đến trên 80% các trường hợp bướu cổ.

Loại bệnh này, ngoài một số yếu tố gây bướu khác: di truyền, các tác nhân gây nhiễm khuẩn các rối loạn về hệ miễn dịch… còn phải kể đến một nguyên nhân rất hay gặp chiếm phần lớn các trường hợp là do chế độ dinh dưỡng và nước uống của người dân địa phương.

Chú trọng dinh dưỡng

Theo các công trình nghiên cứu của một số chuyên gia y học và nội tiết hàng đầu thế giới, một số loại thức ăn chứa đựng tác nhân gây bệnh bướu cổ: khoai mì hạt kê các loại rau họ cải như: bắp cải sữa đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành như đậu phụ…

Trong khi đó, các loại rong tảo biển do chứa quá nhiều iod (gây ra tình trạng quá tải iod) cũng làm cho bệnh nhân bị bướu cổ. Chính vì vậy mà những bệnh nhân bị bệnh bướu cổ thường được khuyến cáo nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm này.

Ở một số vùng do người dân sử dụng nước ở các mạch nước ngầm có chứa nhiều chất disulfure để uống cũng có thể gây ra bệnh bướu cổ. Do chất disulfure ức chế sự hữu cơ hóa trong quá trình tổng hợp hoóc-môn tuyến giáp và gây ra tình trạng tăng thể tích tuyến giáp.

Tình trạng suy dinh dưỡng trầm trọng, đặc biệt là thiếu vitamin A, cũng gây ra hiện tượng rối loạn sinh tổng hợp hoóc-môn tuyến giáp và cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bướu cổ. Do vậy, trong khẩu phần ăn của những bệnh nhân bị bướu cổ cần phải chú ý bổ sung đủ lượng vitamin A cần thiết.

Đừng thêm iod khi đã đủ

Thế nhưng, nguyên nhân quan trọng nhất gây ra bệnh bướu cổ dịch tễ lại có liên quan đến chế độ dinh dưỡng đó chính là tình trạng thiếu hoặc dư thừa iod trong khẩu phần ăn hằng ngày. Việc thiếu hụt iod một mặt gây ra bệnh bướu cổ, mặt khác còn gây nên tình trạng đần độn ở trẻ em

Ở các vùng núi cao như Tây Nguyên và miền núi phía Bắc, do trong khẩu phần ăn hằng ngày có lượng iod rất thấp nên tỉ lệ bệnh bướu cổ khá cao. Những năm gần đây, việc sử dụng muối iod đồng loạt có tác dụng tốt trong phòng bệnh bướu cổ và đần độn ở trẻ em cho phần lớn cư dân ở vùng này.

Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia y học, nếu cung cấp quá nhiều iod trong khẩu phần ăn hằng ngày một thời gian dài cũng đưa đến tình trạng gia tăng bướu cổ. Chính vì vậy, ở các thành phố lớn, các vùng duyên hải… nơi mà trong bữa ăn hằng ngày của người dân đã có hàm lượng iod đủ cho hoạt động sinh tổng hợp hoóc-môn của tuyến giáp thì không cần phải cho thêm iod vì sẽ lợi bất cập hại. Kinh nghiệm này đã được chứng minh từ các ngư dân của Nhật Bản.

Bên cạnh vài loại thực phẩm đã nêu, một số tân dược để chữa các bệnh về rối loạn thể chất như: muối lithium, các loại thuốc tim mạch như cordarone do có chứa nhiều iod cũng có thể gây ra bệnh bướu cổ hoặc thúc đẩy bệnh tiến triển nhanh hơn.

Nguyễn Thị Thuận

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Chủ đề được quan tâm

Bí quyết sống khỏe Bí quyết sống khỏe Thứ năm, 14:36:38 09/07/2020
Món ngon giữ lửa yêu Món ngon giữ lửa yêu Thứ năm, 14:35:25 09/07/2020
Bệnh trẻ em Bệnh trẻ em Thứ năm, 14:33:46 09/07/2020
Bệnh phụ nữ Bệnh phụ nữ Thứ năm, 14:31:58 09/07/2020
Bài thuốc hay Bài thuốc hay Thứ năm, 14:30:51 09/07/2020

Video nổi bật

Sản phẩm mới