Bạch hầu ác tính khiến 3 trẻ ở Tây Nguyên tử vong nguy hiểm thế nào?

Thứ năm, 17:48:07 09/07/2020

Đường lây của bạch hầu

Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, tính từ đầu năm 2020 tới chiều ngày 7/7/2020, khu vực Tây Nguyên ghi nhận 63 ca dương tính. Trong đó, Đắk Nông có 25 ca; tỉnh Gia Lai có 15 ca; tỉnh Kon Tum 22 ca. Ngoài ra, khu vực này đã có 3 ca tử vong do bạch hầu (Đắk Nông 2 ca; Gia Lai 1 ca). Những người tử vong đều là trẻ nhỏ từ 4 đến 13 tuổi.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh bạch hầu lây qua đường hô hấp. Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân rất dễ lây như người nhà, bạn bè.

Cơ chế lây bệnh của bạch hầu nguy hiểm vì người lành mang trùng vẫn có thể phát tán vi khuẩn. Bác sĩ Khanh cho biết những người mang vi khuẩn bạch hầu ho, hắt hơi làm cho vi khuẩn bắn ra môi trường xung quanh, người khác hít phải hoặc tiếp xúc với dịch tiết sau đó đưa tay lên mũi, mặt giống như virus corona có thể lây nhiễm.

Ngoài ra, bệnh bạch hầu có thể lây qua vết xước của da nếu tiếp xúc với vi khuẩn trong chất tiết của người mang bệnh hắt ho, ho bắn vào.

Điều nguy hiểm của bạch hầu đó là người lành mang trùng vẫn gây bệnh cho người khác. Vì thế, trong gia đình nếu những người có sức đề kháng tốt sẽ nhiễm vi khuẩn bạch hầu nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ hơn, trẻ nhỏ, người ốm yếu sức đề kháng kém sẽ bị bệnh nặng hơn.

Bác sĩ Khanh cho biết bệnh bạch hầu phát hiện sớm thì cơ hội điều trị sẽ cao hơn, kiểm soát được biến chứng. Các bệnh nhi tử vong đều do sốt nhiều ngày và không phát hiện ra.

Bác sĩ Khanh nhấn mạnh dấu hiệu của bệnh bạch hầu đó là ở họng, miệng, mũi có giả mạc mầu trắng, sốt. Bác sĩ Khanh cho biết bệnh bạch hầu nếu đã xuất hiện biến chứng, việc điều trị vô cùng khó khăn, tỉ lệ tử vong cao.

Bạch hầu ác tính là gì?

Trong các thể bạch hầu, bạch hầu ác tính được xem vô cùng nguy hiểm. Triệu chứng bệnh nhân bị các triệu chứng nhiễm trùng, nhiễm độc rầm rộ nặng nề.

Bạch hầu thanh quản phần lớn do bạch hầu họng thể thông thường không được điều trị kịp thời gây ra. Ở thể này, màng giả lan xuống tận thanh quản. Nếu không được xử trí kịp thời, các giả mạc này có thể gây tắc đường thở làm bệnh nhân suy hô hấp

Bệnh nhân có thể có dấu khàn tiếng, ho ông ổng. Diễn tiến bệnh rất nhanh có thể kèm theo trụy tim mạch, suy hô hấp nặng, tổn thương màng giả tại chỗ cũng lan rộng, nhanh, nặng nề. Với những trường hợp bệnh nhân bạch hầu ác tính tiên lượng dè dặt tử vong nhanh.

Biểu hiện khác của bạch hầu ác tính đó là người mệt lả, da xanh tái, nôn, nuốt đau, màng giả lan nhanh 2 bên amiđan, hơi thở hôi, hạch cổ sưng to, cổ bạnh ra. Bệnh nhân dần dần bị mệt lả, tím tái, sốt cao, xuất huyết nhiều nơi, khi uống nước sẽ bị sộc ra mũi, huyết áp hạ, mạch nhanh.

Bạch hầu ác tính thường gây viêm cơ tim cấp, đây là biến chứng thường gặp nhất, do ngoại độc tố bạch hầu gây ra. Viêm cơ tim có thể xuất hiện vào ngày thứ 2 đến ngày thứ 7 của bệnh, nhưng cũng có thể muộn hơn, từ 15 đến 40 ngày.

Khi đó, bệnh nhân sẽ suy tim nặng hơn khiến cơ tim bị phá hủy, suy giảm chức năng co bóp, tim ngừng đập.

Các bệnh nhân tử vong do bạch hầu thời gian qua đều biến chứng tim. Dù bác sĩ hỗ trợ các biện pháp cho tim đều không có tác dụng. Ngoài ra, bạch hầu ác tính còn gây suy thận, viêm thần kinh…

Bác sĩ Khanh nhấn mạnh các gia đình nhất là ở vùng tiêm chủng thấp cần nhanh chóng đưa trẻ đi tiêm chủng. Loại vắc xin phòng bạch hầu là vắc xin Quinvaxem hoặc DTP, DT. Cần tiêm đầy đủ, đúng lịch, có thể tiêm bổ sung vắc xin nếu gia đình ở vùng dịch, vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp để phòng bạch hầu ác tính.

Ngoài ra, phòng bệnh bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Bích Diệp

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Chủ đề được quan tâm

Bí quyết sống khỏe Bí quyết sống khỏe Thứ năm, 14:36:40 09/07/2020
Món ngon giữ lửa yêu Món ngon giữ lửa yêu Thứ năm, 14:35:24 09/07/2020
Bệnh trẻ em Bệnh trẻ em Thứ năm, 14:33:46 09/07/2020
Bệnh phụ nữ Bệnh phụ nữ Thứ năm, 14:31:53 09/07/2020
Bài thuốc hay Bài thuốc hay Thứ năm, 14:30:54 09/07/2020

Video nổi bật

Sản phẩm mới