Các giai đoạn tổn thương do bong gân và phương pháp điều trị

Thứ tư, 12:48:09 28/11/2018
Bong gân do chấn thương là tổn thương dây chằng, bao khớp và các cơ tham gia vào việc giữ vững khớp. Khi bị chấn thương trẹo khớp đột ngột, các dây chằng bị kéo giãn quá mức, bị rách hay bị đứt.

Trong lao động, sinh hoạt, nhất là học sinh trong kỳ nghỉ hè học thêm các môn năng khiếu như bóng chuyền, bóng đá, võ thuật... rất dễ bị chấn thương bong gân. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn đọc phát hiện, xử trí đúng và phòng tránh bong gân hiệu quả.

Các giai đoạn tổn thương do bong gân

Người ta chia tổn thương bong gân làm 3 mức độ: Bong gân độ 1 là mức độ tổn thương nhẹ; Bong gân độ 2 chấn thương làm đứt nhiều sợi collagen của dây chằng; ở độ 1 và 2 khớp xương vẫn vững chắc chưa bị lỏng lẻo;

Bong gân độ 3 chấn thương gây sức kéo căng vượt quá 20% mức biến dạng, dây chằng bị đứt hoàn toàn, làm khớp xương bị lỏng lẻo.

Tổn thương bong gân tiến triển qua 3 giai đoạn. Giai đoạn viêm tấy: 72 giờ sau chấn thương, nước hoạt dịch và máu tụ ngấm vào dây chằng bao khớp, có khi tràn cả vào khe khớp; trong 36 giờ đầu, cơ thể huy động các tế bào bạch cầu tập trung về nơi tổn thương, các chất histamin serotonin prostaglandin được tiết ra gây nên tình trạng thoát máu ngoài mạch, làm phù nề và gây đau nhức vùng tổn thương.

Giai đoạn hồi phục: hết sưng nề, xuất hiện các mạch máu tân tạo, các sợi collagen non. Trong vòng 4-6 tuần, các sợi collagen non gia tăng kích thước và độ bền để đến cuối giai đoạn sẽ đạt được độ đàn hồi như dây chằng khi chưa bị đứt.

Ở giai đoạn hồi phục, nếu khớp vận động mạnh có thể làm đứt lại dây chằng mới liền. Trái lại nếu bất động lâu sẽ làm cho sẹo dây chằng dính với các mô xung quanh gây co rút dây chằng và hạn chế vận động của khớp.

Do đó cần vận động sớm theo hướng dẫn của thầy thuốc vào tuần thứ 6-8 để thúc đẩy nhanh quá trình định hướng các sợi collagen và tránh cho dây chằng không bị dính vào các mô xung quanh.

Giai đoạn tạo hình lại: xuất hiện xen kẽ với giai đoạn phục hồi, các sợi collagen được định hướng song song với phương của lực kéo căng dây chằng. Đến tuần thứ 6 sợi collagen mới đã đủ sức chịu đựng được sức kéo căng sinh lý

Tuy nhiên phải từ 12-18 tháng các sợi collagen này mới thực sự bền chắc và chịu được mọi sự kéo căng do lao động và luyện tập thể thao.  Đối với trường hợp bong gân độ 3, khi dây chằng bị đứt và di lệch xa nhau, khả năng phục hồi và tạo hình tuỳ thuộc cách xử trí tổn thương.

Nếu không điều trị, để bong gân tự liền thì các đoạn dây chằng đứt vẫn cách xa nhau, ở khoảng cách giữa hai đoạn đứt chỉ có một lớp mỏng các mô liên kết lỏng lẻo không định hướng kết nối;

Dây chằng sẽ dài hơn chiều dài ban đầu, nhưng sẹo xơ lại yếu, không chịu được sức kéo căng khi khớp hoạt động bình thường. Nếu khâu nối dây chằng thì sẹo liền chắc và khoẻ, chiều dài dây chằng cũng trở lại gần như chiều dài ban đầu, bảo đảm giữ vững được khớp.

Một vài bong gân thường gặp

Bong gân khớp cổ chân: Do đặc điểm giải phẫu, khi vận động, bàn chân dễ bị lật ngửa vào bên trong nên hay gặp bong gân bên ngoài cổ chân, tổn thương nhóm dây chằng bên - ngoài.

Sau chấn thương bệnh nhân có biểu hiện: sưng nề, bầm tím, đau nhói khi ấn phía bên ngoài cổ chân, ngay dưới mắt cá ngoài. Nếu sau chấn thương có cảm giác đau nhói như điện giật ở phía ngoài cổ chân và có nghe tiếng “rắc” thì thường là bong gân độ 3.

Khám lật ngửa bàn chân vào trong (cùng chiều với lực chấn thương) bệnh nhân sẽ thấy đau nhói ở phía ngoài cổ chân, thấy cổ chân giãn ra nhiều hơn so với cử động được thực hiện ở cổ chân bên lành. Chụp Xquang thấy phần khe khớp phía ngoài toác rộng hơn so với khớp bên lành.

Bong gân khớp gối: Tổn thương do bong gân khớp gối được phân 3 mức độ: bong gân nhẹ khớp gối (bong gân độ 1 hoặc độ 2), khớp vững vàng, có điểm đau chói khi ấn vào dây chằng bị tổn thương, không có tràn dịch khớp;

Bong gân mức độ trung bình: bong gân độ 3 một dây chằng bên, có điểm đau chói khi ấn lên dây chằng, có cử động bên lỏng lẻo, không có tổn thương ở trục quay trung tâm.

Bong gân khớp gối mức độ nặng: có tổn thương ở trục quay trung tâm, khi bị tai nạn có tiếng “rắc”, mất cơ năng chi, tràn dịch khớp, có dấu hiệu lỏng lẻo khớp. Chụp Xquang có thể thấy mẻ xương ở bờ lồi cầu ngoài hay lồi cầu trong xương đùi, mẻ các gai mâm chày, chỏm xương mác.

Điều trị bong gân

Ngay sau chấn thương phải cầm máu nếu có chảy máu; dùng băng thun băng ép khớp bong gân trong 48 giờ, dùng nước đá chườm bên ngoài trong 4 giờ đầu để làm dịu đau và cầm máu, giảm phù nề.

Không nên xoa bóp chườm nóng tránh làm giãn mạch chảy máu phù nề thêm. Có thể dùng ethyl clorua xịt vào vùng bong gân để giảm đau và dùng thuốc giảm đau

Bong gân nhẹ: khi đã hết đau nên tập cử động sớm giúp máu lưu thông, tránh rối loạn dinh dưỡng Điều trị bong gân độ 2-3, phải  băng bột để bất động khớp trong 4-6 tuần, sau đó tập vận động từ nhẹ đến nặng.

Bong gân nặng: nếu có sai khớp thì phải nắn khớp; nếu đứt rời dây chằng cần phải phẫu thuật khâu dây chằng bất động trong 6 tuần. Điều trị bong gân bên ngoài cổ chân thường dùng phương pháp bó bột, chỉ điều trị phẫu thuật đối với bong gân độ 3 hoặc khi đứt dây chằng.

Bong gân khớp gối nhẹ, bó bột đùi - bàn chân, giữ khớp gối ở tư thế cơ năng (duỗi thẳng) và tập đi sớm ngay khi còn bột. Bong gân khớp gối trung bình cũng bó bột đùi - bàn chân, nhưng để khớp gối ở tư thế gấp nhẹ giúp cho thương tổn dây chằng không bị kéo căng, nên tập đi sớm. Bong gân khớp gối nặng cần phẫu thuật khâu nối dây chằng.

Đỗ Gia Hùng

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Chủ đề được quan tâm

Bí quyết sống khỏe Bí quyết sống khỏe Thứ năm, 14:36:38 09/07/2020
Món ngon giữ lửa yêu Món ngon giữ lửa yêu Thứ năm, 14:35:20 09/07/2020
Bệnh trẻ em Bệnh trẻ em Thứ năm, 14:33:38 09/07/2020
Bệnh phụ nữ Bệnh phụ nữ Thứ năm, 14:31:54 09/07/2020
Bài thuốc hay Bài thuốc hay Thứ năm, 14:30:48 09/07/2020

Video nổi bật

Sản phẩm mới