Đừng tạo "vết sẹo tinh thần" lên trẻ nhỏ khi vô tình trêu ghẹo

Thứ sáu, 02:35:10 02/11/2018
Đôi khi lời đe dọa ông Ba Bị, 'vạch quần' trêu bé trai hay vỗ mông hoặc ôm bé gái... lại vô tình đẩy các bé vào những suy nghĩ và hành vi tiêu cực.

TS Trần Thành Nam là giảng viên chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tiến sĩ đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề đang được dư luận quan tâm: Những trò đùa, trêu ghẹo của người lớn vô tình ảnh hưởng tới tâm lý, hành động của trẻ nhỏ.

Mỗi khi thấy con có hành vi sai trái, nhiều bậc phụ huynh thường quát mắng. Không ít trường hợp đáng tiếc phải đưa trẻ đến gặp chuyên gia tâm lý vì tổn thương tinh thần nặng nề.

Nhiều ​người lớn không nhận thức được rằng, hành vi tiêu cực và sai trái của trẻ có thể bắt nguồn từ những cách chọc ghẹo, trêu đùa không đúng của ngay cả người thân.

Chúng ta cần suy nghĩ về một số cách chọc ghẹo trẻ con mà nhiều người Việt hay sử dụng để cân nhắc về những hậu quả không mong muốn đối với trẻ.

Không ít người lớn thích 'vạch quần' để trêu bé trai hay vỗ mông hoặc ôm bé gái. ​Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu một đứa trẻ không hiểu đó là hành vi 'thân thiện' của người lớn. ​Chúng sẽ cảm thấy khó chịu, bất an. Nặng hơn, các bé có thể bị ám ảnh, dễ hồi tưởng tiêu cực về những hành vi đã xảy ra.

Hành vi 'vạch quần' để trêu bé trai dễ khiến các bé hồi tưởng tiêu cực về những hành vi lạm dụng đã xảy ra

Hành vi 'vạch quần' để trêu bé trai dễ khiến các bé hồi tưởng tiêu cực về những hành vi lạm dụng đã xảy ra 

Ngay cả khi trẻ được dạy để chấp nhận những hành vi như thế là 'thân thiện', chúng cũng sẽ đối diện nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Đó là hành vi động chạm đến bộ phận nhạy cảm của bạn khác, của trẻ nhỏ tuổi hơn, vì cho rằng những hành vi đó chẳng có gì xấu, thậm chí còn là sự 'thân thiện'.

Trẻ cũng sẽ có xu hướng chấp nhận cho phép những người lạ được làm như vậy với mình và hậu quả là có thể bị cưỡng bức hoặc lạm dụng tình dục

Kiểu hành xử thứ hai mà người lớn hay sử dụng là dùng những nhân vật đáng sợ để dọa trẻ như ông Ba Bị. Phải nói rằng, trong một số trường hợp, cách này khá hiệu quả, trẻ trở nên ngoan ngoãn nghe lời người lớn. Tuy nhiên, những nguy cơ sau đó là gì?

Giáo dục dựa trên cơ sở sợ hãi sẽ dẫn đến việc trẻ chỉ làm hoặc nghe lời một cách đối phó chứ không tự giác. Đồng thời, nếu người dọa trẻ là cha mẹ, họ đã vô tình đào một hố sâu khoảng cách về tình cảm với con cái.

Trẻ bị dọa nhiều có thể dẫn đến biểu hiện như sợ bóng tối, sợ ma, thậm chí sợ tất cả các con vật ít có khả năng gây nguy hiểm như thạch sùng, gián, chuột...

Với những cha mẹ lấy 'công an' dọa con, những đứa trẻ này khi lớn lên sẽ có những niềm tin sai lầm rằng, đó là người xấu và sẽ có thái độ không thân thiện.

Nếu đến một lúc trẻ nhận ra rằng không có ông Ba Bị đến bắt như bố, mẹ nói thì sao? Trẻ sẽ cảm thấy chẳng có gì khiến mình sợ nữa, chẳng có gì có thể kiểm soát hành vi của mình. Đó là nguồn gốc cho những hành động vi phạm nội quy ở trường học và vi phạm pháp luật khi ra ngoài xã hội.

Ngoài ra, có thể kể đến những câu nói đùa vô ý hoặc nói trong lúc nóng giận như 'nhặt được con ở ngoài đường đem về nuôi'; 'đem con đi bán hoặc đi cho'; 'cho ra rìa'; 'tống cổ ra khỏi nhà'...

Kể cả khi đứa trẻ nghe được những câu nói này trong lúc bố mẹ đang cười đùa thì chúng cũng sẽ có những cảm giác bất an. Chúng sẽ tiếp tục theo dõi bố mẹ để kiểm chứng những điều đó có đúng không. Chúng có thể sẽ cố tình gây ra lỗi để xem cha mẹ có chú ý và đủ kiên nhẫn.

Nếu cha mẹ nóng giận, chúng sẽ tin những điều bố mẹ từng nói, chắc là bố mẹ không thương vì mình được nhặt ngoài đường về. Bố mẹ có em rồi nên không còn yêu thương mình nữa, mình sẽ bị ra rìa…

Khi niềm tin này được củng cố, trẻ sẽ càng có xu hướng quậy phá hơn để tiếp tục tìm bằng chứng theo vòng luẩn quẩn như vậy. Cuối cùng, hậu quả có thể là tình cảm cha mẹ con cái bị chia cắt. Trẻ có xu hướng thù địch với cha mẹ và cả với những người cha mẹ quan tâm, vì cho rằng đó chính là đối thủ của các em.

Nhiều nhà giáo dục cho rằng trẻ em khi sinh ra là tờ giấy trắng, cha mẹ và các thành viên trong gia đình sẽ vẽ lên đó những nét vẽ đầu tiên về giá trị tính cách và phẩm chất để hình thành nên con người các em sau này.

Vì vậy, trước khi đặt bút vẽ phải cân nhắc hết các nguy cơ, vì chúng ta khó có thể tẩy xóa những nét vẽ đầu tiên này. Nếu người lớn muốn con mình tôn trọng và bảo vệ những vùng nhạy cảm của bản thân thì hãy dừng lại kiểu đùa 'vỗ mông, bẹo má'.

Nếu chúng ta không muốn hình thành ở con em sự sợ hãi, đừng sử dụng dọa dẫm để trêu chọc.

Nếu muốn tạo lập một bầu không khí gia đình yêu thương và gắn kết, hãy chấm dứt ngay những lời nói kiểu 'nhặt con ngoài đường', kể cả là khi đùa vui.

Vừa qua, dân mạng chia sẻ bài viết về 10 kiểu chọc ghẹo trẻ con xấu xa mà người Việt nên bỏ.

Theo đó, người Việt rất kỳ cục, mỗi lần gặp bé trai thế nào cũng vạch quần bé ra và… rôm rả bình luận, cười đùa. Nếu gặp bé gái, chẳng cần quan tâm bé còn nhỏ hay đã 'bắt đầu lớn', cứ tha hồ bẹo má, vuốt mặt thậm chí còn ôm hôn, âu yếm, vuốt ve khắp cơ thể.

Khi gặp một đứa trẻ có nhiều nét giống mẹ hoặc không có nét giống bố, bất kỳ người lớn nào cũng có thể buông một câu: A, hay con là con bác hàng xóm!

Người lớn mỗi lần gặp các bé gái thường khen xinh rồi nói những câu nửa đùa nửa thật như: Đẹp thế này lớn lên khối chàng chết!...

Khi gia đình có thêm thành viên nhí, lập tức bé lớn sẽ được nghe người lớn nói đùa: Mẹ có em bé rồi, không còn thương con nữa đâu.

Mỗi khi muốn doạ dẫm hay dụ dỗ trẻ con điều gì, người lớn thường tạo ra những nhân vật đáng sợ như ông Ba Bị. Đáng sợ nhất là… công an.

Những lúc bố mẹ giận nhau, đứa con luôn đóng vai 'chim xanh' để truyền thông tin từ người này đến người kia.

Chẳng hiểu sao người lớn nào cũng thích nói đùa với con mình rằng: 'Con không phải là con của ba mẹ, ba mẹ nhặt con ở ngoài đường về nuôi'.

Hoàng Thu Thảo

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Chủ đề được quan tâm

Bí quyết sống khỏe Bí quyết sống khỏe Thứ năm, 14:36:41 09/07/2020
Món ngon giữ lửa yêu Món ngon giữ lửa yêu Thứ năm, 14:35:24 09/07/2020
Bệnh trẻ em Bệnh trẻ em Thứ năm, 14:33:39 09/07/2020
Bệnh phụ nữ Bệnh phụ nữ Thứ năm, 14:31:58 09/07/2020
Bài thuốc hay Bài thuốc hay Thứ năm, 14:30:47 09/07/2020

Video nổi bật

Sản phẩm mới